Thế giới

Triều Tiên chỉ ngồi với Mỹ khi một khi thấy lợi ích kinh tế

18/05/2018, 09:33

Bằng cách đe dọa cân nhắc lại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bình Nhưỡng gửi cảnh báo...

26

Ông Donald Trump và Kim Jong-un

“Tiền trao, cháo múc”

Các chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên bình luận trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm 17/5 rằng, Bình Nhưỡng đang cố gắng tối đa hóa khả năng thương lượng của mình để có được nhiều nhượng bộ kinh tế từ Washington và Seoul trước khi nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách triệt để. Phương thức được Bình Nhưỡng đưa ra là đe dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Mỹ.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều và cho rằng “Washington và Seoul vẫn khiêu khích khi thực hiện các cuộc tập trận không quân tại Hàn Quốc”.

Cuộc diễn tập “Thần Sấm cực đại” (Max Thunder) là cuộc thao dượt phòng thủ thường xuyên để bảo vệ chủ quyền của Hàn Quốc và thậm chí không hề giảm quy mô bất chấp mối quan hệ “tan băng” giữa hai miền Triều Tiên gần đây.

Chính vì thế, Bình Nhưỡng có thể cảm thấy rằng, Washington và Seoul không đáp lại tương xứng với động thái đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Triều Tiên Chun Byung-gon ở Seoul cho rằng, Triều Tiên thấy những mối đe dọa rất lớn đến an ninh của mình khi cuộc tập trận này còn vượt ra khỏi các buổi diễn tập thường xuyên vì có sự tham gia của máy bay tối tân và uy lực nhất của Mỹ như: Tiêm kích tàng hình F-22, oanh tạc cơ ném bom Boeing B-52 Stratofortress.

Còn chuyên gia Sun Xingjie đến từ Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) cho rằng, động thái của Triều Tiên ngày 16/5 đã cho thấy vẫn có khoảng cách lớn giữa Bình Nhưỡng và Washington về vấn đề phi hạt nhân trước hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên sẽ không chấp nhận một phiên bản Libya thứ hai về giải trừ vũ khí hạt nhân - được đề xuất bởi cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton.

Theo ông Sun, đơn giản vì Triều Tiên khác hoàn toàn Libya về thành tựu và kỹ thuật trong chương trình hạt nhân và đất nước trên bán đảo Đông Bắc Á coi chương trình hạt nhân là “chìa khóa sống còn” của chính quyền nước này.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo giới phân tích, Washington hẳn sẽ chịu áp lực rất lớn nếu ông Kim Jong-un quyết định rút khỏi hội nghị thượng đỉnh đang được lên kế hoạch tại Singapore.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra khá bình tĩnh khi hãng KCNA phát đi thông điệp sẽ cân nhắc cuộc gặp giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tới.Ông chủ Nhà Trắng nói “hãy chờ xem” và cho rằng, Triều Tiên chưa trực tiếp nói với Nhà Trắng về ý định thay đổi hay hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào ngày 12/6 tới vì thế Washington sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh vẫn theo đuổi việc gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân như hiện tại.

Tổng thống Mỹ thứ 45 đã công khai chế nhạo người tiền nhiệm của mình vì không đạt được các bước tiến trong vấn đề ở Triều Tiên.

Và giờ, chính ông Trump có thể sẽ ở cùng vị trí này và hẳn Triều Tiên cũng hiểu được điều đó. “Trong trường hợp này, có thể Bình Nhưỡng muốn đạt được các nhượng bộ kinh tế song song với các nỗ lực phi hạt nhân hóa”, nhà nghiên cứu Chung Jae-heung tại Viện Sejong ở Seoul nhận định và cho rằng, Washington đang mở rộng mục tiêu của mình trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên khi đề xuất mang vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng tới Mỹ.

Nhưng từ góc độ của Triều Tiên, nước này đã từ bỏ bãi thử nghiệm Punggye-ri nhưng không có gì bù lại.

“Nếu không có lợi ích về kinh tế, Triều Tiên có thể mất hứng thú với hội nghị thượng đỉnh tại Singapore”, nhà nghiên cứu từ Viện Sejong cho biết.

Cùng quan điểm đó, chuyên gia Kim Eul-chul từ Đại học Kyungnam (Seoul) cho rằng, Bình Nhưỡng đang đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ tới Mỹ khi nước này cảm thấy rằng, “nếu thỏa hiệp hơn nữa (phù hợp với yêu cầu từ Washington) thì an ninh chính quyền ông Kim sẽ bị đe dọa”.

Đây cũng là thông điệp cho rằng Triều Tiên “không bị ép buộc dưới áp lực tối đa từ Mỹ mà sẽ hành động theo cách riêng của mình để giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc”.

Chính vì thế, “thế hạ phong” trong “ván cờ hạt nhân Triều Tiên” lại đang chuyển hướng về phía Mỹ - khi rối ren trong các khẩu khí to lớn mà không cụ thể về một chiến lược với Triều Tiên ngoài các lệnh trừng phạt kinh tế từ chính quyền Donald Trump.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.