Thế giới

Triều Tiên nói gì về vụ Đại sứ Mỹ bị tấn công?

06/03/2015, 09:05

Truyền thông Triều Tiên xem vụ Đại sứ Mỹ bị tấn công tại Seoul là sự "trừng phạt"

111

Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert bị năm vết thương ở mặt và tay sau vụ tấn công bằng dao

Bị tấn công khi đang diễn thuyết

Hôm qua (5/3), Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert bị tấn công khi đang chuẩn bị thuyết trình về triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tại Trung tâm Văn hóa Sejong ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Thủ phạm được xác định là Kim Ki-jong, 55 tuổi, bị bắt giữ ngay tại hiện trường. Người này sử dụng một con dao dài 25 cm làm hung khí tấn công khiến ông Lippert bị thương ở mặt và tay. Trước đó, năm 2010, Kim Ki-jong bị tuyên hai năm tù treo vì ném một mảng bê tông vào Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc và có nhiều hoạt động dân tộc chủ nghĩa. Các nhà điều tra Hàn Quốc sẽ điều tra theo hướng coi đây là một vụ khủng bố.

Ông Jung Nam-shik, Giám đốc Bệnh viện Yonse cho biết: Thủ phạm gây ra cho ông Lippert năm vết thương, nghiêm trọng nhất là một vết thương dài 11 cm, sâu 3 cm chạy từ cằm tới má phải. Rất may, không có tổn thương nào nghiêm trọng. Ông Lippert cần phải ở lại bệnh viện vài ngày.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf đã cực lực liên án hành động bạo lực này và cho biết “vết thương của Đại sứ Lippert không đe dọa đến tính mạng”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng gọi điện thăm hỏi đại sứ Lippert.

Đại sứ Mark Lippert năm nay 42 tuổi vốn là cựu Thứ trưởng Quốc phòng, được bổ nhiệm làm đại sứ ở Hàn Quốc năm 2014. Đây là lần đầu tiên một đại sứ Mỹ bị tấn công tại Hàn Quốc. Cùng ngày, ông Lippert cập nhật thông tin trên mạng “Tôi vẫn khỏe, các bạn đừng lo lắng” và “rất cảm động trước sự giúp đỡ của mọi người”.

Không có dấu hiệu về sự liên quan của Triều Tiên

Hãng tin CNN dẫn lời bà Marie Harf rằng, vẫn chưa xác định được động cơ của vụ tấn công và sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ. Tuy nhiên, theo hãng tin Yonhap, trong khi giằng co với lực lượng an ninh, thủ phạm hét lên rằng: “Hai miền Triều Tiên cần phải được thống nhất” và “Không tập trận cho chiến tranh”, ám chỉ hai cuộc tập trận Mỹ - Hàn đang diễn ra.

Vụ tấn công nói trên xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, nhưng chuyên gia Stephen Evans của hãng tin BBC nói rằng, không có dấu hiệu cho thấy thủ phạm tấn công Đại sứ Mỹ là mật vụ của Triều Tiên.

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc có hai cuộc tập trận chung: Foal Eagle (Đại bàng non) và Key Resolve (Giải pháp then chốt). Cuộc tập trận Key Resolve kéo dài trong vòng một tuần. Foal Eagle kéo dài 8 tuần, với sự tham gia của không quân, hải quân, bộ binh, gồm 200 nghìn binh sỹ Hàn Quốc và 3.700 binh sỹ Mỹ. Hiện có gần 30 nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, như một lực lượng răn đe đối với Triều Tiên. Nhưng cũng có người Hàn Quốc cho rằng, điều này cản trở sự thống nhất của hai miền.

Phản ứng trước các cuộc tập trận này, Triều Tiên đe dọa sẽ có hành động quân sự đáp trả. Tờ Rodong Sinmun viết: “Hai cuộc tập trận là một hành động khiêu khích. Cơ hội đàm phán và ngoại giao đã bị bỏ lỡ. Chúng tôi chỉ còn cách tăng cường lực lượng quốc phòng và thực hiện một cuộc phản công quân sự”.

Đến ngày 2/3, đúng ngày bắt đầu tập trận, Triều Tiên bắn hai quả tên lửa tầm ngắn từ thành phố cảng Nampo thuộc Tây Triều Tiên. Đây là lần thứ ba trong năm 2015, Triều Tiên bắn tên lửa ra biển Nhật Bản. Hồi tháng 2, nước này đã hai lần bắn tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản.

Giới chức Seoul cho rằng, việc bắn tên lửa chứng tỏ chế độ Kim Jong Un muốn châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên và Seoul sẽ mạnh tay hơn trong việc trừng phạt với mọi hành động khiêu khích. Còn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra nghị quyết cấm Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa.

Mặc dù vậy, chiều qua, truyền thông Triều Tiên đã gọi vụ tấn công là một sự trừng phạt. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.