Bên lề

Trọng tài V-League: Vì đâu nên nỗi?

19/10/2017, 14:05

Dư luận làng túc cầu Việt Nam mấy ngày qua sôi sục với vụ Quyền Chủ tịch CLB TP HCM Lê Công Vinh...

Trong tai ha anh chien

Ảnh minh họa

Phát biểu này của Công Vinh đưa ra sau trận TP HCM thua Hải Phòng 1-4 tại vòng 21 V-League 2017. Người đứng đầu CLB TP HCM khẳng định, Da Sylva đã bị Văn Phú phạm lỗi trong vòng cấm nhưng đội bóng thành phố mang tên Bác không được hưởng phạt đền. Xung quanh phát biểu của cựu đội trưởng ĐT Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa phần không tán đồng. Chưa nói đến việc vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp, nếu thực sự TP HCM bỏ tiền thuê trọng tài, ai dám đảm bảo CLB này không được ưu ái.

Tuy nhiên, chuyện bi hài chưa dừng lại ở phát ngôn có phần ngông quá đà của Công Vinh. Ban Tổ chức V-League 2017 sau khi xem xét chỉ đưa ra hình thức kỷ luật nhắc nhở. Lý do là bởi CLB TP HCM không đăng ký chức danh chủ tịch trong thành phần đoàn. Trước đó, ông Lê Nguyên Hồng, Chủ tịch CLB Quảng Nam cũng chỉ bị nhắc nhở dù nói “trọng tài Việt Nam được đào tạo ở trường mù” và cũng do Quảng Nam không đăng ký chức danh chủ tịch trong thành phần đội bóng. Vậy sẽ ra sao nếu nhiều CLB thuộc lòng chiêu trò này và cứ có tranh chấp là thóa mạ trọng tài? Nếu thế, V-League chẳng khác nào cái chợ.

Tại nước Anh, nơi có giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới Premier League (Ngoại hạng Anh), trọng tài vẫn mắc phải những sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng. Nhưng những hành vi lăng mạ trọng tài đều bị xử lý cực kỳ nghiêm khắc, dù người đó là ai. Đó mới là bóng đá chuyên nghiệp. Nếu muốn hiểu tường tận, chắc phải mạn đàm với HLV Jose Mourinho, một trong những vị HLV hay phải đối mặt án phạt vì lên án trọng tài.

Xét cho cùng, trọng tài Anh hay trọng tài Việt đều là con người, đều có thể phạm sai lầm nhưng cách người ta đối xử với sai lầm ở Ngoại hạng Anh khác hẳn ở V-League. Trọng tài Ngoại hạng Anh được bảo vệ còn trọng tài V-League giống như viên đá ngoài đường, ai đi qua cũng có thể cầm, ném. Chắc chắn không có đội bóng nào ở V-League dám vỗ ngực chưa bao giờ “bồi dưỡng” trọng tài. Khi được hưởng lợi từ quyết định của trọng tài thì coi như điều hiển nhiên nhưng chẳng may gặp chút bất lợi là xù lông nhím chỉ trích.

Mà nhiều lúc chẳng cần quan tâm quyết định trọng tài đúng hay sai, các đội bóng vẫn cứ lấy trọng tài ra làm cái cớ để đổ lỗi cho thất bại. Thành ra, đội ngũ cầm còi ở sân chơi số 1 Việt Nam luôn đối diện cả núi áp lực, áp lực nhiều lại dễ sai lầm, sai lầm lại bị đấu tố, càng đấu tố lại càng áp lực. Không thể phủ nhận trọng tài V-League còn nhiều hạn chế nhưng khi môi trường làm việc chưa thể tối ưu, cũng đừng nên đòi hỏi quá nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.