Chính trị

Trục liên thông văn bản quốc gia: Chính phủ không dùng giấy, giảm họp

15/03/2019, 06:45

Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ giúp tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa tổ chức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ VPCP tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, giúp tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Báo Giao thông trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng về những lợi ích thiết thực cũng như cơ chế vận hành của hệ thống này.

Thay đổi tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ

Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, lãnh đạo Chính phủ, VPCP nhiều lần nhấn mạnh Trục liên thông điện tử quốc gia sẽ là bước chuẩn bị rất quan trọng. Bộ trưởng có thể chia sẻ về quyết tâm của VPCP cũng như các cơ quan, đơn vị trong việc chuẩn bị nhiệm vụ này?

Ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 28 về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước - là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử tiến tới thay văn bản giấy, VPCP đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia.

Quyết định 28 là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử, hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh; hướng tới nền hành chính hiện đại, không giấy tờ…

Đến nay, đã có 95/95 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối với VPCP. Các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước.

VPCP và các đơn vị liên quan đã triển khai bài bản, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông này trước khi triển khai chính thức. Trong vòng 1 tháng đầu năm 2019 có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử.

Thưa Bộ trưởng, sau khi Trục liên thông điện tử quốc gia được khai trương, rất nhiều ý kiến thắc mắc quy cách vận hành của Trục liên thông thế nào? Việc gửi nhận văn bản được tiến hành ra sao? Có phát sinh thêm nguồn nhân lực để vận hành Trục liên thông điện tử này?

VPCP là cơ quan chủ trì, điều phối xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia; Bộ TT&TT hoàn thiện thể chế về kỹ thuật, phối hợp triển khai thử nghiệm kết nối, kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin mạng; Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an ninh mạng cho thiết bị, hạ tầng và giải pháp công nghệ; Tập đoàn VNPT đã chủ trì nghiên cứu, ứng dụng thành công bước đầu công nghệ mới vào triển khai Trục liên thông; Tập đoàn Viettel hỗ trợ kết nối hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của VPCP và một số bộ, ngành vào Trục liên thông văn bản quốc gia; Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp cấp phát đầy đủ chứng thư số chuyên dùng phục vụ ký số văn bản điện tử, gửi, nhận văn bản điện tử bảo đảm an toàn, an ninh.

Quan điểm là để DN làm và Nhà nước thuê lại. Trục Liên thông này do Tập đoàn VNPT đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến và VPCP thuê lại.

Bây giờ Trục liên thông điện tử quốc gia là nơi gửi - nhận văn bản của tất cả các cơ quan từ T.Ư đến địa phương. Nhưng đến quý IV/2019, sẽ trở thành một nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu trên tất cả các hệ thống qua trục này.

Cụ thể hơn, Thủ tướng đã chỉ đạo tới cuối quý IV/2019 phải nâng trục này trở thành trục liên thông tích hợp, cộng với Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ thí điểm ngay cho thủ tục cấp đổi GPLX. Mọi thủ tục được làm và công khai luôn.

Với Trục liên thông này, văn bản gửi và nhận sẽ đến các nơi liên quan ngay lập tức sau khi được phát hành trên điện tử.

Ví dụ, một dự thảo Nghị định sau khi soạn thảo và lấy ý kiến các bộ và được hoàn thiện sẽ chuyển lên VPCP để báo cáo Thủ tướng. Văn bản này sẽ được gửi tới xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Các thành viên Chính phủ sẽ cho ý kiến bằng việc lựa chọn các phương án trên phiếu điện tử, nếu không còn ý kiến khác nhau thì trình Thủ tướng xem xét và ký Nghị định đó.

Hồ sơ Nghị định sau đó được nhập vào máy, chỉ cần nhấn nút là phát hành, các nơi liên quan đều nhận được. Như vậy, thao tác này được tính bằng giây. Việc này giúp giảm được rất nhiều khâu, nhiều thủ tục như không phải chuẩn bị giấy tờ, in ấn, sao gửi.

Nhân sự vận hành cũng giảm chứ không hề tăng, chỉ cần tập huấn và đào tạo các thao tác kỹ thuật.
Theo quy định của Bộ Nội vụ, văn bản ký số được ban hành trên điện tử cũng giống như văn bản ký tươi có dấu đỏ. Trước kia, hồ sơ trên điện tử nhưng vẫn ký phát hành bằng tay, giờ ký cũng trên điện tử hết, tất cả văn bản đều thế, trừ văn bản mật.

Riêng văn bản mật được cập nhật và theo dõi chứ chưa xử lý trên mạng được. Văn bản mật phải tính tới mã số hóa, không nêu trích yếu nội dung, đồng thời sẽ có hệ thống xử lý nội bộ riêng, có khung kết nối riêng, không kết nối ra bên ngoài và không sử dụng được USB. Đặc biệt, các nhà cung cấp thiết bị phải là nơi sản xuất an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, được an ninh và Bộ TT&TT kiểm tra kỹ lưỡng.

Giảm hàng loạt chi phí, tiết kiệm hơn 1.200 tỷ mỗi năm

img
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trần Hải

Con số tiết kiệm trên 1.200 tỷ mỗi năm khi áp dụng Trục liên thông điện tử quốc gia được tính toán trên cơ sở nào, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi đã có tính toán và thống kê chi tiết. Việc gửi - nhận văn bản qua Trục liên thông điện tử giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ mỗi năm.

Ngoài ra, còn rất nhiều cái khác không thể tính được, ví dụ việc công khai minh bạch và giảm tiêu cực, thủ tục nhanh nên tiết kiệm được cả thời gian. Đặc biệt, tạo lòng tin của nhân dân và môi trường đầu tư cũng được cải thiện rất nhiều… Tất cả những cái đó là những lợi ích chưa tính được bằng tiền.

Bây giờ là cơ quan Nhà nước gửi nhận văn bản qua điện tử, nhưng tiến tới sẽ cung cấp các dịch vụ công qua Trục liên thông này. Cụ thể, quý IV/2019 sẽ có kho dữ liệu quốc gia chứ không còn kho riêng của từng bộ, không có chuyện kho dữ liệu này của anh hay của tôi, giữ để làm độc quyền được.

Vậy việc thực hiện gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông điện tử còn khó khăn, vướng mắc gì, thưa Bộ trưởng?

Cái khó lớn nhất là phải tạo ra sự đồng bộ, phải có cơ sở dữ liệu làm nền tảng quan trọng thì ta chưa có hoặc có chưa đầy đủ. Chúng ta mới chỉ có dữ liệu về bảo hiểm, về đăng ký doanh nghiệp nhưng dữ liệu về đất đai hay dân cư lại chưa đồng bộ.

Nhưng chúng ta không ngồi chờ mà làm dần và vừa làm vừa đúc kết. Bên cạnh đó, phải tiếp tục xây dựng thể chế. Ví dụ, phải có Nghị định quy định về kết nối chia sẻ, về bảo mật thông tin cá nhân, về xác thực định danh… để phục vụ cho nền tảng tích hợp này.

Không để cán bộ giữ thói quen làm việc giấy tờ, “ôm” quyền lợi

img
Đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Thực tế cho thấy, cán bộ của chúng ta vẫn muốn giữ thói quen làm việc giấy tờ vì không muốn từ bỏ quyền lợi của riêng mình đang cản trở hiện thực hóa nền hành chính phi giấy tờ. Vậy VPCP có giải pháp gì giải quyết thực trạng này, vì Chính phủ 4.0 thì cán bộ không thể là 0.4 được?

Đúng là có tình trạng đó, khi nhiều cán bộ của chúng ta vẫn muốn giữ thói quen làm việc giấy tờ vì không muốn từ bỏ đặc ân, quyền lợi của riêng mình. Giờ muốn làm được, chúng ta phải ban hành thể chế và quy định rất cụ thể.

Bên cạnh đó, phải tạo áp lực từ trên xuống, bên trên gương mẫu để bên dưới noi theo. Người lãnh đạo cũng phải có vai trò tiên phong, lãnh đạo mà ký giấy thì cán bộ sẽ không chịu trình văn bản điện tử, nhưng lãnh đạo xử lý trên điện tử thì không cán bộ nào dám trình văn bản giấy.

Như tôi dứt khoát không ký tay, tôi cũng dặn thư ký không nhận hồ sơ giấy, nên cán bộ không dám trình văn bản giấy, nếu không làm thế là ngày nào văn bản trình cũng “xếp hàng” trên bàn.

Vì vậy giờ đây, tôi có thể vừa họp vừa xem và ký được văn bản, đi công tác ngồi trên ô tô cũng có thể giải quyết công việc trên điện tử.

Trục liên thông văn bản quốc gia đem lại hiệu quả, lợi ích gì khi kết nối chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước, kết nối giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?

Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là nền tảng cho vấn đề kết nối, chia sẻ, là một trong những bước đi của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.

Đặc biệt, đây là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả tối ưu để giải quyết thực trạng “trăm hoa đua nở” về phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương vốn được rất nhiều nhà cung cấp triển khai trên các loại nền tảng kỹ thuật, công nghệ khác nhau…

Thay vì VPCP phi giấy tờ thì phải tiến tới Chính phủ phi giấy tờ, sẽ kết nối với các thành viên Chính phủ. Chính phủ trước đây họp 3 ngày thì tiến tới ứng dụng CNTT giảm thời gian họp chỉ còn 1 ngày, vì nội dung văn bản đã thống nhất, đưa ra Chính phủ biểu quyết chỉ cần ấn nút thông qua, còn các xung đột, tranh luận đã xử lý trên mạng. Như ở Estonia họp Chính phủ không quá 30 phút, có cuộc họp không đến 5 phút, đến chỉ ấn nút biểu quyết...

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.