Y tế

Trục lợi từ sức khỏe của con trẻ

03/08/2016, 21:23

Nguyên nhân của tình trạng cung không đáp ứng cầu là do chính sách tiêm chủng, quản lý vaccine bất cập.

338_vaccine-dau-mua

Giá bán vaccine dịch vụ đang bị đẩy cao để trục lợi

Từ cuối năm 2013, một số vaccine cộng hợp (đa giá) ngừa nhiều bệnh trong 1 mũi tiêm như Infanrix Hexa (hãng GSK, gọi là “6 trong 1”) và Pentaxim (hãng Sanofi Pasteur, gọi là “5 trong 1”) ở thị trường Việt Nam, rất khan hiếm.

Nguyên nhân của tình trạng cung không đáp ứng cầu là do chính sách tiêm chủng, quản lý vaccine bất cập và cơ chế “nhà phân phối độc quyền” tạo ra nhiều năm nay.

Khi tình trạng khan hiếm kéo dài nhiều năm thì chuyện “đục nước béo cò”, trục lợi cá nhân sẽ xảy ra. Ngoài việc giá vaccine dịch vụ bị đẩy lên còn có hiện tượng nhân viên y tế tiêm chui tại nhà.

Hiện nay, Luật Khám chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân chưa cho phép bác sỹ trực tiếp mở phòng tiêm dịch vụ tư nhân. Song, bất chấp quy định của pháp luật, yêu cầu khắt khe về an toàn, hiệu quả tiêm chủng, nhiều nhân viên y tế vẫn vi phạm để thu lợi nhuận trên an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Tuy Bộ Y tế đã vào cuộc quyết liệt giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ, nhưng việc nhập khẩu “nhỏ giọt” kiểu chữa cháy đã không đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của thị trường Việt Nam.

Cơ chế không rõ ràng vì quy định pháp luật thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở pháp lý để cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng gây ra sự khan hiếm vaccine dịch vụ như: Hexa, Penta “kinh niên”. Đó cũng là cơ hội nâng giá vaccine Pentaxim, Infanrix Hexa để trục lợi tại một số điểm tiêm.

Ở Pháp, quê hương của sản phẩm Pentaxim (hãng Sanofi Pasteur), giá tiêm vaccine rẻ hơn Việt Nam và không bao giờ thiếu hụt. Bởi nhằm khuyến khích tiêm chủng để giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật, ngăn ngừa dịch bệnh, Chính phủ Pháp đã trợ giá cho người tiêm thông qua các điểm tiêm và chính sách bảo hiểm y tế. Hoặc như ở Mỹ, chính sách tiêm chủng có luật riêng, vaccine được đưa vào danh mục BHYT. Hệ thống bác sỹ gia đình, dịch vụ y tế tư nhân được phép tiêm chủng nên không bao giờ có tình trạng khan hiếm hay trục lợi về chênh lệch giá.

Tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ diễn ra từ nhiều năm đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí, khảo sát của Báo Giao thông cho thấy, hiện tượng nâng giá tiêm Pentaxim (Infanrix Hexa vẫn chưa có hàng) bắt đầu công khai ở các điểm dịch vụ tư nhân. Mức giá xấp xỉ 1,5 triệu đồng/mũi như tại Phòng khám đa khoa Bảo Ngọc còn đắt hơn cả ở thị trường Mỹ là điều khó chấp nhận được.

Tình trạng này không thể để kéo dài mà không giải quyết được. Vấn đề là thay đổi như thế nào?

Trước hết là thay đổi hành lang pháp lý, tổ chức tiêm chủng và cơ chế giám sát. Theo đó, tiêm chủng phải có luật riêng và phải đưa vào danh mục bảo hiểm sức khoẻ; Tiêm chủng phải là dịch vụ y tế thông thường, việc quản lý và nhập khẩu vaccine như một mặt hàng dược phẩm thông thường. Hai việc đó triển khai thực hiện phải bình đẳng với mọi thành phần kinh tế và dịch vụ để tránh sự độc quyền và có kế hoạch căn cơ.

Bên cạnh đó phải có tổ chức chuyên môn sâu và cơ quan tư vấn, giám sát độc lập với hệ thống Nhà nước chịu sự quản lý của Luật Tiêm chủng. Giải quyết được những vấn đề đó, sẽ không có tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực tiêm chủng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.