Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc bị áp sát đảo nhân tạo, Kim Jong-un vui mừng lĩnh giải

02/08/2015, 11:55

Trung Quốc bị áp sát đảo nhân tạo, ông Kim-Jong-un vui mừng lĩnh giải... là tin nóng hổi được tổng hợp trong ngày.

20150801132029-3
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc gần như hoàn tất việc xây dựng đường băng dài 3.000m ở Đá Chữ Thập

Đường băng Trung Quốc đủ để đưa máy bay ném bom ra Trường Sa

Theo Dân trí, CSIS khẳng định, đường băng dài 3.000m mà Trung Quốc (TQ) xây ở Đá Chữ Thập là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược. Việc triển khai máy bay loại này sẽ cho phép quân đội TQ bao quát không phận rộng lớn từ tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương.

Nhà nghiên cứu của CSIS Mira Rapp Hooper cho hay, lý do TQ làm đường băng này chính là muốn tất cả các máy bay quân sự có thể hoạt động.

Tuần trước, tại Học viện Hudson ở Washington, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ lo ngại khả năng TQ sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp và tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để khẳng định yêu sách chủ quyền.

“Họ xây đường băng và sẽ đưa vũ khí đến đó, điều tiếp theo bạn chứng kiến người TQ làm là khi máy bay Mỹ dù là máy bay thương mại hoạt động ở đây, họ sẽ nói "phải nhận diện" - một ADIZ đồng nghĩa với khẳng định chủ quyền lãnh thổ", ông McCain nói.

Hải quân Mỹ quyết áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 31/7, tờ Politico ở Mỹ đăng tin nhiều tướng lĩnh hải quân Mỹ đang quyết tâm đưa máy bay, tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, trong khi các quan chức Nhà Trắng tỏ ra thận trọng hơn và không muốn làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung trong “giai đoạn nhạy cảm”.

hai-quan-my-quyet-ap-sat-dao-nhan-tao-trung-quoc-o
Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên Biển Đông

Theo Politico, các tướng lĩnh Lầu Năm Góc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ bảo lưu quyền đi lại của tàu thuyền hay bay ngang của máy bay gần những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng và đang “quân sự hóa”.

Hải quân Mỹ không tiết lộ họ đã thực hiện hành động áp sát này hay chưa, tuy nhiên nhiều quan chức quân đội và nghị sĩ Mỹ muốn chính phủ nước này có “màn thể hiện hoành tráng” bằng cách đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo để nói rõ với Trung Quốc rằng Mỹ không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của họ xung quanh những hòn đảo này.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), khu vực 12 hải lý được coi là “lãnh hải” của các thực thể có chủ quyền trên biển, và tàu quân sự nước ngoài không được phép xâm phạm khu vực này nếu không có sự nhất trí của quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, cũng theo UNCLOS, những hòn đảo nhân tạo như thế này của Trung Quốc không hề có giá trị về chủ quyền, do đó khu vực 12 hải lý xung quanh không được coi là “lãnh hải”.

Các quan chức quân đội Mỹ cho rằng nếu không làm như vậy, Washington đang ngầm chấp nhận những hành động “gây bất ổn” của Bắc Kinh.

Ông Kim Jong-un được trao giải lãnh đạo toàn cầu

Theo Dân trí, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, ông Kim Jong-un, đã được vinh danh là chủ nhân của giải thưởng lãnh đạo toàn cầu, Trung tâm Sukarno tại Indonesia thông báo.

ong-kim-ongun-duoc-trao-giai-lanh-dao-toan-cau
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Independent)

Thông tin trên được con gái của cố Tổng thống Sukarno, tổng thống đầu tiên của Indoneisa, công bố.

Bà Rachmawati Soekarnoputri lý giải việc trao giải thưởng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên: "Chúng tôi trao giải cho ông Kim Jong-un vì ông ấy đã kiên định thực hiện các lý tưởng của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành nhằm chống chủ nghĩa đế quốc".

"Chúng tôi cũng trao giải cho ông ấy vì sự kiên trì trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân mới", bà Soekarnoputri nhấn mạnh.

Những nhân vật khác từng được trao giải thưởng lãnh đạo toàn cầu của Trung tâm Sukarno có anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và lãnh đạo phe đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi.

Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt hàng trăm người Kurd

Theo Tuổi trẻ, có ít nhất 260 thành viên của Đảng Lao động người Kurd (PKK) bị tiêu diệt và gần 400 phiến quân khác bị thương trong chiến dịch không kích kéo dài một tuần qua của Thổ Nhĩ Kỳ.

tho-nhi-ky-1438482307
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ra quân trấn áp người biểu tình - Ảnh: Middle East Eye

Cơ quan truyền thông Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/8 cho biết trong số những đối tượng bị thương có Nurettin Demirtas, anh trai của lãnh đạo Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) chủ trương ủng hộ người Kurd là Selahattin Demirtas.

Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch chiến đấu nhằm vào Nhà nước Hồi giáo IS vào ngày 24/7 sau loạt tấn công của IS xảy ra trên lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người không ngờ tới là các đợt không kích đều nhắm vào nhóm người Kurd đang sinh sống tại Iraq. Ngày 30/7, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đợt oanh kích dữ dội nhất nhắm đến 6 căn cứ quân sự của người Kurd tại khu vực phía bắc Iraq, với 80 máy bay được huy động.

Ngày hôm sau, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ra lệnh xuất kích 30 máy bay F-16 nhắm đến 65 mục tiêu của PKK bao gồm cả nơi trú ẩn và kho chứa vũ khí. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc không kích vẫn chưa dừng lại mà sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.