Thế giới giao thông

Trung Quốc cân nhắc thu phí ùn tắc ở các đô thị

13/03/2017, 10:05

Giống như tình cảnh chung ở nhiều quốc gia đang phát triển, một số TP lớn của Trung Quốc như: Bắc Kinh, Thượng Hải...

24

Lưu lượng ô tô dày đặc tham gia giao thông ở TP Bắc Kinh

Giống như tình cảnh chung ở nhiều quốc gia đang phát triển, một số TP lớn của Trung Quốc như: Bắc Kinh, Thượng Hải... đang đối mặt với nạn ùn tắc giao thông (UTGT) nghiêm trọng, đòi hỏi phải được giải quyết. Việc tìm kiếm các giải pháp để khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông đang là vấn đề cấp bách của các TP này.

“Phí ùn tắc” nhen nhóm từ Bắc Kinh

Với Thủ đô Bắc Kinh, một TP lớn với 21,729 triệu người (năm 2016) , thu phí ùn tắc là một trong những phương án đã được nhà chức trách TP đi đầu nghiên cứu thời gian gần đây, được thực hiện theo “Kế hoạch hành động làm sạch không khí TP Bắc Kinh” (công bố tháng 9/2013).

Các chuyên gia cho rằng, việc thu phí ùn tắc giao thông phải đảm bảo “ hiệu quả, công bằng, minh bạch”. Khi xảy ra UTGT sẽ tiến hành thu một khoản tiền nhất định đối với những người sử dụng một số đoạn đường để đạt mục đích làm giảm UTGT.

Việc đề xuất thu phí ùn tắc có liên quan đến các đặc điểm của Bắc Kinh như mọi hoạt động tập trung ở trung tâm TP, đi xe ô tô sẽ dễ cơ động, vận chuyển vượt trọng tải ở trên những tuyến đường chính, cường độ sử dụng xe ô tô cao.

Ở Bắc Kinh còn tồn tại 2 vấn đề “mật độ quá cao và quá thưa thớt”. Ông Lý Quốc Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đô thị, Đại học Bắc Kinh cho hay, ở trung tâm TP, mỗi km2 có mật độ dân số khoảng 23.000 người, trong khi đó, ở khu bảo tồn sinh thái thì mỗi km2 chỉ có 210 người, cách nhau gần 100 lần.

Đồng thời, có tới 65% người lao động tập trung ở trung tâm TP. Do đó, sức ép giao thông ở trung tâm TP rất lớn, vấn đề giao thông kiểu “thủy triều lên” rất nổi cộm.

Theo thống kê, cuối năm 2015, khi tắc đường ở Bắc Kinh, tốc độ bình quân của mỗi ô tô là 22,6km/h. Điều này làm cho Bắc Kinh trở thành TP “tắc nghẽn” nhất Trung Quốc.

Đảm bảo công bằng

Đặt ra vấn đề thu phí ùn tắc đã làm xuất hiện vấn đề đối xử công bằng. Ông Trình Thế Đông, Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu giao thông đô thị, Viện Nghiên cứu vận tải tổng hợp, Ủy ban Phát triển và cải cách Trung Quốc cho rằng, phí ùn tắc cần được tính toán có khoa học, để đảm bảo công bằng giữa tầng lớp làm công ăn lương với những người giàu, đồng thời có thể làm giảm mạnh lượng xe trên đường.

Trung tâm Điều tra xã hội của báo Thanh niên Trung Quốc cho thấy, có 65,1% số người được hỏi đề nghị công bố chi tiêu cụ thể của việc xử lý UTGT. 60,7% số người cho rằng, toàn bộ quá trình đưa ra chính sách phải được thực hiện công khai, minh bạch.

Nếu thu phí thì phải được thực hiện chính sách có khoa học, để chủ ô tô biết được tiêu tiền ở đâu, có hiệu quả khách quan như thế nào. Phải xây dựng được cơ chế, nếu hiệu quả không tốt thì phải bãi bỏ.

Biện pháp thu phí cần tính toán kỹ

Hiện nay, việc quản lý UTGT ở Thủ đô Bắc Kinh còn đối mặt với nhiều rào cản. Đặc biệt, Bắc Kinh là một TP cổ có lịch sử vài nghìn năm, nên việc xây dựng mạng lưới đường sá về tổng thể vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện, ít có những tuyến đường có tác dụng làm “giải tỏa” ùn tắc. Việc phân bố dân cư lại không cân bằng. Trong khi đó, cơ chế, thể chế quản lý còn tồn tại vướng mắc, cần tiếp tục cải cách.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, muốn thu phí ùn tắc phải làm tốt nhiều biện pháp chính sách như: Tính toán kỹ lưỡng đoạn đường xác định sẽ thu phí; Nâng cấp năng lực phục vụ giao thông công cộng; Nếu thực hiện lâu dài cần phải có cơ chế điều tiết động (chẳng hạn việc thu phí phải được điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi về vật giá trong từng giai đoạn).

Mô hình thu phí ùn tắc từ Thụy Điển, Italia

Đối với việc thu phí ùn tắc, một số đô thị trên thế giới đã từng làm thử. Thủ đô Stockholm của Thụy Điển bắt đầu thu phí ùn tắc từ tháng 1/2006, TP Milan của Italia bắt đầu thu phí ùn tắc từ tháng 1/2012.

Trong đó, ở Stockholm, việc thu phí được tiến hành từ 6h30 - 18h29. Ngoài xe công cộng, tiến hành thu phí ùn tắc tương đồng với mọi loại xe có động cơ.

Thực hiện biện pháp này, số lượng xe có động cơ đi lại trong TP đã giảm 20%, thời gian đi xe trên cùng đường đã rút ngắn 30%. Còn ở Milan, Italia đã đặt thiết bị camera giám sát ở 43 tuyến đường thuộc trung tâm TP.

Tiêu chuẩn thu phí là mỗi ngày 5 euro. Trong thời gian chưa đến 2 năm, lưu lượng giao thông ở trung tâm TP Milan đã giảm 30%, khí thải xe giảm 60%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.