Góc nhìn

Trung Quốc đã gặt hái chiến thắng sau đàm phán Trump - Kim

14/06/2018, 07:32

Trung Quốc không tham gia bàn đàm phán tại Singapore vừa qua, nhưng cuộc gặp Trump - Kim lại giúp tăng vai trò...

29

Ba nhà lãnh đạo Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ

Trung Quốc không tham gia bàn đàm phán tại Singapore vừa qua, nhưng cuộc gặp Trump - Kim lại giúp tăng vai trò không thể thiếu của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên. Nhiều chuyên gia nhận định, Mỹ - Triều sẽ rất khó để thúc đẩy phi hạt nhân hóa mà không có Bắc Kinh.

Vai trò của Bắc Kinh

Dù Bắc Kinh không chính thức tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng cường quốc châu Á này đã đạt được mục đích của mình.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận đạt được sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều “không có ý nghĩa nhiều hơn một biểu tượng”, đã củng cố hình ảnh của lãnh đạo Triều Tiên và vai trò của Trung Quốc - quốc gia đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng.

Phát biểu với giới truyền thông sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump nói ông sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về các cuộc đàm phán. “Trung Quốc là một đất nước quan trọng và (có một) nhà lãnh đạo tầm cỡ - một người bạn của tôi. Tôi tin rằng, ông ấy vui khi chúng tôi đã đạt được tiến bộ này. Tôi sẽ gọi ông ấy ngay khi trở về Mỹ”, ông Trump nói.

Bình luận trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 13/6, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên Cheng Xiaohe từ Đại học Renmin (Trung Quốc) cho rằng: “Khoảng cách giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn lớn và nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Washington và Bình Nhưỡng sẽ rất khó thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình”.

Theo các nhà phân tích, những nội dung trong các cuộc đàm phán ngày 12/6 phù hợp với những gì Bắc Kinh muốn đạt được. Thỏa thuận Mỹ - Triều nói về cam kết xây dựng một mối quan hệ mới phù hợp sau 70 năm thù địch, trong khi lại “khá mơ hồ” về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vì không có thời gian biểu rõ ràng hoặc bất kỳ biện pháp cụ thể nào để tháo dỡ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên.

Vì thế, “Washington sẽ cần Bắc Kinh nếu muốn gia tăng nhiều áp lực hơn cho Bình Nhưỡng”, nhà phân tích Deng Yuwen từ Bắc Kinh cho biết.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, ông Trump cũng bày tỏ hy vọng rằng, cả Bắc Kinh và Seoul sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của Triều Tiên, điều mà ông Kim Jong-un đang tìm kiếm.

Cục diện phát triển đúng ý Trung Quốc

Tổng thống Mỹ cũng nói ông sẽ cho ngừng lại các “trò chơi chiến tranh”, được cho là ám chỉ tới các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc mà Triều Tiên chỉ trích là hành động khiêu khích.

Đây được cho là một chiến thắng lớn dành cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh từ lâu đã tìm kiếm một thỏa thuận kiểu “đóng băng kép”. Theo đó, Mỹ và Hàn Quốc sẽ dừng tập trận quân sự chung để đổi lấy việc Triều Tiên dừng các vụ thử vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng, việc ông Trump dừng các cuộc tập trận quân sự là nhượng bộ lớn đối với Triều Tiên, đặc biệt khi ông Kim không cam kết cụ thể về quá trình phi hạt nhân hóa mà chỉ tái khẳng định lời hứa “mơ hồ” được Bình Nhưỡng đưa ra trong thượng đỉnh liên Triều trước đây.

Ông Abraham Denmark, Giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ) cho rằng: “Tôi luôn phản đối phương án “dừng tập trận đổi lấy đóng băng”, bởi vì điều đó xếp ngang hàng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn (giữ ổn định khu vực, hợp pháp) với thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên (làm mất ổn định khu vực, bất hợp pháp”.

Nhiều chuyên gia Seoul cũng cho rằng, Bắc Kinh đang hưởng lợi từ đàm phán Trump - Kim. “Cho đến nay, các vấn đề bán đảo Triều Tiên đang phát triển chủ yếu theo hướng Trung Quốc toan tính. Sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, vai trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn”, ông Chung In-moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định.

Ngược lại, một số nhà phân tích khác cảnh báo rằng, vẫn còn những thách thức lớn phía trước về việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, gây ra mối đe dọa tiềm ẩn ngay sát sườn các quốc gia láng giềng, trong đó có Trung Quốc.

“Hiện, đang có cơ hội để thực hiện một bước đột phá và nếu chúng ta bỏ lỡ nó, sẽ khó có thể chắc chắn những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ không trở lại?”, GS. Zhu Feng của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nêu vấn đề.

Một chuyên gia khác từ Đại học Columbia (Mỹ), ông Charles Armstrong cho rằng, vẫn phải chờ đợi xem liệu Bình Nhưỡng có tiến gần hơn về phía Washington sau cuộc đàm phán hay không.

“Trung Quốc có thể lo ngại về việc mất đòn bẩy ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Cũng có thể, Triều Tiên và Mỹ liên kết đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc. Mọi thứ đều có thể xảy ra”, GS. Armstrong nêu nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.