Thế giới giao thông

Trung Quốc “đe” hành khách để giữ thể diện quốc gia

17/04/2015, 06:51

Một bộ phận du khách Trung Quốc hành xử thiếu văn hóa trên các phương tiện giao thông trong nước và quốc tế.

101
Cảnh chen lấn giành giật đồ của nhiều du khách Trung Quốc

Một bộ phận du khách Trung Quốc hành xử thiếu văn hóa trên các phương tiện giao thông trong nước và quốc tế khiến thể diện của Trung Quốc bị bôi nhọ, buộc Chính phủ nước này phải đưa ra biện pháp cứng rắn.

Xấu hổ vì đồng hương

Mới đây, một nữ hành khách Trung Quốc trên chuyến bay của Thai AirAsia từ Thủ đô Bangkok (Thái Lan) tới Nam Kinh (Trung Quốc) hất hộp mỳ nóng vào mặt một tiếp viên hàng không chỉ vì không được ngồi cạnh bạn trai. Mặc dù phi hành đoàn đã sắp xếp lại chỗ ngồi, nhưng người yêu của cô gái kia vẫn lớn tiếng mắng tiếp viên và dọa sẽ cho nổ tung máy bay. Sự việc trở nên nghiêm trọng buộc phi công phải cho máy bay hạ cánh khẩn cấp. Chuyến bay bị hoãn năm tiếng. Sau sự việc này, không chỉ truyền thông Trung Quốc mà cả dư luận thế giới cũng rất bức xúc, gọi đây là hành vi “dã man”.

Thống kê của Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) cho thấy, năm 2014, có 109 triệu du khách du lịch trên toàn thế giới là người Trung Quốc với mức chi tiêu lên tới 164 tỷ USD. Con số này cho thấy mức tăng đáng kinh ngạc, gấp hơn 10 lần so với chỉ 10 triệu khách trong năm 2000; và cũng gia tăng những hành vi đáng xấu hổ của không ít du khách.

Một số hành khách Trung Quốc còn bừa bãi, vô kỷ luật trên các phương tiện giao thông. Trên một chuyến bay của hãng Delta Airlines từ Bắc Kinh tới Detroit (Mỹ), một gia đình Trung Quốc trải báo trên ghế và cho con đi vệ sinh trực tiếp tại đó, bất chấp việc các hành khách xung quanh đều khuyên đưa con vào toilet.

Đôi khi cách ứng xử vô văn hóa của một bộ phận du khách không còn là vấn đề đạo đức mà tới mức uy hiếp an toàn bay như sự việc 25 hành khách trên chuyến bay MU2036 của China Eastern Airlines từ Côn Minh tới Bắc Kinh mở ba cửa thoát hiểm chỉ vì bực mình việc phi hành đoàn tắt điều hòa tạm thời chờ dọn sạch băng bên ngoài máy bay khiến chuyến bay phải hủy. 25 người này bị bắt giữ ngay lập tức.

Cô Zhang Hui, làm việc trong một công ty đa quốc gia tại Thượng Hải cho biết, nhiều lần chứng kiến cách hành xử kém văn minh của du khách đồng hương khiến cô mất hết cảm hứng đi tham quan du lịch. Cô Zhang nói: “Tôi không bao giờ đi du lịch vào ngày nghỉ lễ vì tôi biết chắc chắn sẽ có cảnh nhộn nhạo trên tàu/máy bay, rồi cảnh hỗn loạn chen lấn tại khu du lịch đáng lẽ là nơi yên bình để nghỉ ngơi.

Đưa hết vào "danh sách đen"

Đầu tháng tư vừa rồi, Tổng cục Du lịch Trung Quốc ra quy định nhằm lấy lại thể diện quốc gia. Theo đó, người dân Trung Quốc có những hành vi lệch chuẩn, đặc biệt gây mất trật tự, an toàn trên các phương tiện giao thông trong và ngoài nước sẽ bị cơ quan quản lý địa phương và Tổng cục Du lịch theo dõi, lập hồ sơ vi phạm và lưu trữ trong vòng 2 năm.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Li Jinzao cho biết, nếu cần thiết, “chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ của họ cho cả bên công an, hải quan, hàng không, đường sắt, ngân hàng, hệ thống khách sạn” để tất cả cùng biết. Chính phủ Trung Quốc hy vọng, sự giám sát chặt chẽ này sẽ giúp nâng cao thái độ và cách ứng xử của khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ không nói rõ có thực hiện biện pháp trừng phạt nào đối với những hành khách nằm trong “danh sách đen” hay không.

Bày tỏ suy nghĩ về quy định mới của Chính phủ, cô Zhang cho rằng, nó sẽ chẳng khác gì biển báo cấm hút thuốc nơi công cộng - mọi người đều biết nhưng chẳng ai làm theo. Cô nghi ngại, các nhà chức trách khó có thể theo dõi hành xử của du khách Trung Quốc trên toàn thế giới.

Ông Z. Lingyu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thống nhất Bắc Kinh bày tỏ thông hiểu và đồng tình với Chính phủ khi đưa ra quy định mới. Nhưng, cũng giống cô Zhang, ông Lingyu e ngại: “Phương pháp này quá khó thực hiện, đơn cử việc lấy bằng chứng hành khách có hành vi khiếm nhã”, ông Z. Lingyu nói. “Tôi cho rằng, Trung Quốc không cần thực hiện bất cứ biện pháp nào ngoài tăng cường giáo dục và tuyên truyền, nâng cao ý thức”.

Còn theo ý kiến của ông Liu Simin đến từ Hiệp hội Du lịch Trung Quốc, đây là biện pháp răn đe chứ không phải trừng phạt, hy vọng người dân tự thấy xấu hổ khi bị đưa vào “danh sách đen” đó và buộc phải thay đổi cách hành xử cho hợp lý khi đang trên tàu xe, nơi công cộng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.