Thế giới

Trung Quốc đổ tiền nuôi tham vọng cường quốc sản xuất máy bay

23/11/2016, 07:23
image

Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch trở thành cường quốc về công nghệ hàng không toàn cầu,...

Tập đoàn Comac ra mắt máy bay C919 do Trung

Tập đoàn Comac ra mắt máy bay C919 do Trung Quốc tự sản xuất

Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch trở thành cường quốc về công nghệ hàng không toàn cầu, có thể tự sản xuất máy bay và động cơ máy bay, thị trường béo bở vốn ít cạnh tranh trên thế giới.

Tham vọng cường quốc

Đầu tháng 11, tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc được tổ chức tại TP Châu Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), Tập đoàn sản xuất động cơ máy bay Aero Engine Corp of China (AECC) lần đầu tiên ra mắt thế giới với một gian trưng bày rộng 1.200m2, thể hiện mục tiêu của công ty là phát triển các sản phẩm “cây nhà lá vườn”, công nghệ cao trong lĩnh vực hàng không để xuất khẩu. Mặc dù sự hiện diện của AECC tại triển lãm lần này được quảng bá rất rộng rãi. Biển quảng cáo nổi bật logo màu xanh trắng của AECC giăng từ đường cao tốc cho tới khu vực tổ chức triển lãm. Tuy nhiên, tại gian trưng bày rộng 1.200m2, AECC chưa công bố được công nghệ mới. Đồng thời, AECC cũng từ chối phỏng vấn hay tổ chức sự kiện tại triển lãm.

Thời điểm này, Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) tuyên bố đang đàm phán cùng Tập đoàn máy bay United Aircraft của Nga để phát triển và sản xuất máy bay thương mại thân rộng có thể phá vỡ thế song mã bấy lâu nay của Airbus và Boeing trong lĩnh vực máy bay dân dụng. Hai hãng dự định sản xuất máy bay thương mại đường dài, hai lối đi - trợ lý Chủ tịch Comac, ông Guo Bozhi cho biết. Máy bay mới hiện chưa được đặt tên nhưng sẽ được thiết kế để cạnh tranh với dòng máy bay cùng phân khúc với các dòng A350, A330 của Airbus; dòng 777 và 787 của Boeing.

Sở dĩ, Trung Quốc dốc toàn lực, nhắm tới thị trường công nghệ hàng không, bởi đây vẫn là mảnh đất trống, chưa có nhiều công ty của Bắc Kinh “cày xới”. Hiện nay, trong ngành động cơ máy bay thương mại thế giới chỉ có một số công ty lớn của phương Tây độc chiếm như: General Electric, United Technologies’ Pratt & Whitney và Rolls-Royce; Còn ngành sản xuất máy bay là cặp đôi Boeing, Airbus. Hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc cần tới 6.865 máy bay mới trong 20 năm tới, trị giá 6 nghìn tỉ NDT để đáp ứng nhu cầu thay mới, mở rộng dàn máy bay của các hãng hàng không, không lẽ, Trung Quốc để mặc thị trường béo bở này cho các hãng sản xuất máy bay nước ngoài chiếm hữu?

Tiền không thiếu nhưng tài chưa tới

Về triển vọng tự sản xuất động cơ máy bay của Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá, Tập đoàn AECC có lợi thế về tiền và thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh. Công ty AECC mới được Chính phủ Trung Quốc thành lập từ tháng 8 nhưng có vốn điều lệ lên tới 7,5 tỉ USD, quy mô 96.000 nhân viên, tập trung vào thiết kế, chế tạo và thử nghiệm động cơ máy bay, theo Xinhua. AECC được hậu thuẫn bởi Chính phủ Trung Quốc và hai công ty quốc gia - Tập đoàn Hàng không Trung Quốc (Tập đoàn Quốc phòng và Không gian vũ trụ) và Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (sản xuất máy bay chở khách).

Việc AECC ra mắt nhưng chưa đưa ra được sản phẩm mới tại triển lãm Châu Hải là điều không quá ngạc nhiên với các chuyên gia trong ngành Hàng không phương Tây. Theo họ, mặc dù Trung Quốc đã phát triển về quy mô và tốc độ rất nhanh, vượt dự đoán nhưng để phát triển động cơ hàng không cần ít nhất một thập kỷ trở lên. “Thiết kế toàn bộ một động cơ và thiết kế toàn bộ hạ tầng để có thể phát triển và bảo trì động cơ là cả vấn đề lớn”, ông Jorg Schluter, giảng viên động cơ cao cấp tại Đại học Deakin, Australia nhận định.

Khả năng sản xuất động cơ của Trung Quốc đang ở mức rất hạn chế, mới dừng lại ở động cơ máy bay chiến đấu và hầu hết là hợp tác hoặc được Nga cấp giấy phép. Trung Quốc đã ra mắt máy bay tự sản xuất, động cơ đôi ARJ21 (đang được hãng Chengdu Airlines vận hành) và C919. Tuy nhiên, hai máy bay này vẫn sử dụng động cơ do General Electric Co. và CFM International (liên doanh Mỹ - Pháp) sản xuất.

Trung Quốc cũng khó kỳ vọng đạt được những bước tiến trong ngành công nghệ động cơ máy bay tương tự như thành công trong ngành đường sắt cao tốc hay công nghệ hạt nhân nhờ áp dụng các công nghệ sẵn có từ các đối tác nước ngoài. Bởi, chính phủ các nước cùng các nhà sản xuất thiết bị chính (OEM) trong ngành này luôn “canh gác” rất cẩn mật các bí mật công nghệ. Ông Mark Daly, PV mảng động cơ máy bay đến từ Tạp chí JHS Jane cho biết: “Lấn sân vào thị trường này trên toàn cầu rất khó và các đối thủ hiện tại trong ngành cũng không để chuyện đó diễn ra dễ dàng”. Ông Steffen Kunth, Giám đốc Tài chính Công ty Bảo trì MTU cho biết, các nhà sản xuất thiết bị chính luôn tìm cách để hạn chế sao chép kỹ thuật động cơ của họ nên theo ông “trong 10 năm nữa, chúng ta mới có cơ hội chứng kiến động cơ thương mại đầu tiên của Trung Quốc”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.