Thế giới

Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn khi hợp tác kinh tế với Nga?

05/07/2017, 07:44

Về mặt kinh tế, quan hệ giữa Nga và TQ đã có chiều sâu nhưng lợi ích chủ yếu nghiêng về TQ.

15

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ, đàm phán và ký kết nhiều văn kiện hợp tác để tăng cường lợi ích giữa hai nước nhưng theo một số chuyên gia, xét về vấn đề kinh tế, lợi ích có phần thiên lệch về phía Trung Quốc. 

Hơn 20 cuộc gặp trong 5 năm

Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nga vừa kết thúc vào hôm qua (4/7), Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đánh dấu lần gặp mặt thứ 3 giữa 2 lãnh đạo này riêng trong năm nay và hơn 20 lần gặp gỡ kể từ khi ông Tập nhậm chức vào năm 2012.  

Ông Putin cho biết: “Chúng tôi sử dụng mọi cơ hội để gặp gỡ và bàn luận về quan hệ song phương, các vấn đề trên thế giới”. Về phía Chủ tịch Tập, ông cũng nhận định: “Mỗi cuộc gặp giữa hai nước đều mang lại những cơ hội để trao đổi quan điểm giữa hai bên. Hàng loạt cuộc gặp cho thấy mức độ cao trong quan hệ song phương giữa Moscow và Bắc Kinh”.

Trong cuộc gặp lần này, có tới 40 tài liệu song phương liên quan đến hoạt động hợp tác thương mại, năng lượng, giáo dục, cùng hàng chục hợp đồng trị giá lên tới 10 tỷ USD được ký kết nhằm tăng cường quan hệ vốn đang ở mức “tốt đẹp nhất trong lịch sử” giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới như lời ông Tập Cận Bình mô tả, theo hãng tin RT. 

Lợi ích kinh tế nghiêng về Trung Quốc?

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, về mặt kinh tế, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã có chiều sâu nhưng chưa thực sự có lợi cho cả đôi bên, lợi ích chủ yếu nghiêng về phía Trung Quốc. 

Hãng tin CNN dẫn lời Chủ tịch Eurasia Group, công ty tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới, ông Ian Bremmer cho biết: “Trung Quốc đang ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn từng ngày. Trong khi đó, về phía Nga, bất chấp sức mạnh chính trị của ông Putin, Nga đang suy giảm về mặt cơ cấu”.

Vì bị phương Tây trừng phạt với cáo buộc liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, hơn nữa, giá dầu thô vẫn đang sụt giảm, Nga chuyển hướng về phía châu Á để tìm kiếm lối thoát về kinh tế và họ tìm thấy Trung Quốc.

Sau nhiều năm đàm phán, năm 2014, Moscow và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận trong 30 năm để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc - thị trường đang nổi lớn nhất thế giới này. Hợp đồng trị giá ước tính 400 tỉ USD. Ở thỏa thuận này, cả hai bên đều có lợi. Trung Quốc đang “khát” năng lượng và không muốn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu khí đốt từ Trung Đông qua tuyến đường trên biển Đông.

Tuy nhiên, ngoài thỏa thuận đó ra, Moscow không thể hiện nhiều nỗ lực để hấp dẫn Trung Quốc. “Người ta đã nói rất nhiều đến tham vọng “chuyển hướng về châu Á” của Nga nhưng thực chất chưa đem lại nhiều kết quả. Hay ít nhất, chiến lược này chưa mang lại những kết quả mà Điện Kremlin mong muốn”, ông Gustav Gressel, chuyên gia của Hội đồng châu Âu về đối ngoại nhận định. 

Mặc dù nhiều năm nay, Nga tìm kiếm cách thức để da dạng hóa kinh tế, nhưng dầu và khí đốt vẫn chiếm hơn 1 nửa tổng kim ngạch xuất khẩu và 1/3 lợi nhuận của Chính phủ.

Vì vậy, Trung Quốc khó lòng có thể giúp Nga bù lắp lại tổn thất từ dầu mỏ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như tình hình giá dầu sụt giảm. Nga đang đối mặt với sụt giảm kinh tế 2 năm trở lại đây.

Ngoài ra, Nga cũng không phải là điểm đến hấp dẫn đầu tư từ Trung Quốc vì “tồn tại nhiều rủi ro và rất ít tài sản trí tuệ tại Nga mà Trung Quốc quan tâm”, nhà kinh tế đến từ Công ty Capital Economics, ông Andrew Kenningham nhận định.

Điển hình, Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” để tái định hình lại thương mại khu vực châu Á và châu Âu. Họ dự định đổ tiền vào đầu tư đường sắt, đường cao tốc và các dự án khác tại các quốc gia như Kazakhstan và Uzbekistan mà Nga vốn coi là sân sau.

Nhưng, bản thân nước Nga gần như bị bỏ qua trong dự án này. “Đối với các doanh nhân Trung Quốc, Nga là nước có địa hình khó. Ngoài ra, lợi ích cạnh tranh thấp (xét về vấn đề lương bổng và sự kết nối với thị trường châu Âu) khiến nước này trở nên ít hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu”, ông Gressel nhận định. 

19

Ngoài hợp tác kinh tế, hai nước Nga - Trung còn tăng cường đồng thuận trong nhiều vấn đề quốc tế. Theo Tân Hoa Xã, trong buổi gặp không chính thức hôm 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên và vấn đề Syria. Tại đây, ”cả hai bên đều nhất trí, Trung Quốc và Nga cần duy trì sự hợp tác chiến lược để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và giải quyết đúng đắn vấn đề bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy tất cả các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán”, theo Tân Hoa Xã. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cùng tái khẳng định, việc phản đối Mỹ triển khai các tên lửa của hệ thống phòng thủ THAAD ở Hàn Quốc. Một ngày sau cuộc gặp này, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo mà nước này tuyên bố có tầm xa xuyên lục địa, gây rúng động dư luận thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.