Tài chính

Trước sáp nhập, BIDV chi 10,2% cổ tức

24/04/2015, 05:59

Ngân hàng TMCP BIDV đã thực hiện vượt mức cam kết với cổ đông, chia cổ tức 10,2% năm 2014.

41
Đại hội cổ đông của BIDV đã xác định chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cho năm 2015

Trong khi đa phần các ngân hàng đều chi cổ tức ở mức thấp hoặc bằng không thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã thực hiện vượt mức cam kết với cổ đông, chia cổ tức 10,2% năm 2014. Đây là tín hiệu vui trước ngày BIDV sáp nhập ngân hàng Phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) để tính đến các kế hoạch phát triển lâu dài.

Cổ tức vượt kỳ vọng cổ đông

Tại Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015 vừa diễn ra, BIDV cho biết tỷ lệ chi trả cổ tức của năm 2014 là 10,2%, hình thức chi trả bằng tiền mặt. Kết quả này vượt cam kết không thấp hơn 9% của BIDV với cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2014.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo BIDV, năm 2014, dù điều kiện chung của nền kinh tế còn khó khăn, BIDV đã bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, linh hoạt ứng phó với diễn biến thị trường, đồng thời chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu, hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ phê duyệt, đảm bảo tỷ lệ cổ tức đã cam kết với cổ đông, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước.

ĐHĐCĐ đã xác định nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015 của BIDV: Nguồn vốn huy động tăng 16,5%; Dư nợ tín dụng tăng 16%; Lợi nhuận trước thuế: 7.500 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu: dưới 3%; Tỷ lệ chi trả cổ tức: lớn hơn 9%.

Tính đến 31/12/2014, tổng tài sản của BIDV đạt 650.340 tỷ đồng (tăng 18,6% so với cùng kỳ 2013); nguồn vốn huy động đạt 501.909 tỷ đồng (tăng 20,4%); Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay các tổ chức và cá nhân, cho thuê tài chính ngoài ngành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 463.567 tỷ đồng (tăng 18,9%). Dư nợ tín dụng tăng trưởng tích cực, chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,03%. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 6.297 tỷ đồng (tăng 19%).

Hoạt động kinh doanh của khối công ty cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, Tổng công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC) có lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỷ đồng (tăng 9,9%); Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) có lợi nhuận trước thuế đạt 75,38 tỷ đồng, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu. Hoạt động khối liên doanh có lợi nhuận trước thuế đạt 495 tỷ đồng; khối hiện diện thương mại nước ngoài tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu BIDV, các văn phòng đại diện tại hải ngoại hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tại Lào, Campuchia, Myanmar, BIDV đã mở rộng quảng bá xúc tiến đầu tư thương mại quốc tế tại các thị trường tiềm năng như: Liên bang Nga, châu Âu, Đông Bắc Á và đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thâm nhập, kết nối thị trường Nhật Bản - Việt Nam; hợp tác với Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Hoa Kỳ Metlife thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife.

Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2013-2015” của Ngân hàng Nhà nước, năm 2014, BIDV đã cổ phần hóa tất cả các công ty, từ công ty bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng thương mại; Chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ tháng 1/2014; Tập trung cơ cấu, sắp xếp lại các chi nhánh hoạt động kém hiệu quả...

Nhằm gia tăng thị phần bán lẻ, phục vụ toàn diện các nhóm khách hàng, đa dạng hóa kinh doanh, BIDV đã trình Đại hội phê duyệt chủ trương thành lập Công ty Tài chính tiêu dùng BIDV nhằm tách phân khúc khách hàng theo rủi ro.

Sáp nhập nguyên trạng MHB vào BIDV

Hội đồng Quản trị BIDV đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch sáp nhập (MHB) vào BIDV. Đây là một trong những bước đi của lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Được thành lập năm 1997, đến nay, tổng tài sản của MHB tăng hơn 110 lần so với ngày đầu thành lập; chất lượng tài sản được đảm bảo, nằm trong top 10 ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam (gồm 44 chi nhánh, 185 phòng giao dịch tại 35 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), dư nợ tín dụng dành cho ĐBSCL chiếm 50% dư nợ toàn hệ thống.

Với nguyên tắc “giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1”, việc sáp nhập dự kiến sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập của cả hai ngân hàng.

Việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ giúp BIDV mở rộng mạng lưới, thêm khách hàng mà còn tăng cường năng lực của BIDV trong mảng nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của BIDV trở thành định chế tài chính Việt Nam vững mạnh, có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.