Xem - ăn - chơi

Truyện ngắn: Khi cơn lũ đi qua

22/06/2018, 15:58

Trời càng tối, lũ càng dâng cao. Nước sông Tà Rông mênh mông bủa vây sùng sục quanh đồi Mâm Xôi.

114

Ảnh minh họa

Mới ban chiều chỗ chân ruộng, máy bay trực thăng cứu trợ còn đỗ được thì chập tối đã chìm sâu trong biển nước ngầu đục. Cái nhà nguyện cũ kỹ xây từ thời nảo thời nào cũng chỉ còn chòi lên cái tháp mái có cây thánh giá hình chữ thập.

Lúc ấy khoảng bốn giờ chiều. Mưa còn rất nặng hạt. Sau một hồi thương lượng với lũ làng chạy lụt không thành, tổ lái đành để anh lại ở đồi Mâm Xôi. Tự nhiên anh ngao ngán, anh nhìn cái trực thăng quân sự rùng mình bốc lên khỏi mặt đất. Ngay lúc đó, ở mạn đồi phía Nam đất không lở có một người đàn ông lực lưỡng cố lái bè chuối chở một ông già đang đóng khố cởi trần táp vào. Gã thợ sơn tràng mặc đồ đi rừng, thắt bao dao chạy lại kéo ông già lên. Anh nhìn thấy một vật màu đỏ được tống ra khỏi cửa sổ máy bay. Những người ướt lướt thướt đang gặm ngấu nghiến nửa gói mỳ tôm vừa được phát bỗng ùa đến vồ lấy, tranh nhau.

Họ nói với nhau bằng thứ tiếng của họ. Cũng có người nói được tiếng dưới xuôi. Một tiếng chửi lẫn vào gió mưa làm đám người dừng lại, chưng hửng, ngẩn mặt ra tẽn tò. Không phải đồ ăn mà là một cái áo phao cứu sinh. Một người trong tổ lái chắc là đã cởi ra ném xuống cho anh. Vậy là cơ trưởng đã không giận cái thái độ trù trừ nửa muốn ở lại, nửa muốn lên máy bay của anh trong lúc họ đang thương lượng với dân làng chạy lụt. Cũng có thể sự có mặt của anh ở Tà Rông lúc đó là cần thiết cho nghề viết báo, cho những người chạy lụt yên tâm nữa. Quẳng áo phao cứu sinh là hành động vớt vát cuối cùng của tổ lái khi không còn cách nào kéo anh trở lại máy bay được nữa. Chứng tỏ không bỏ rơi anh, họ sẽ quay trở lại.

- Của tô... tôi - Anh gào lên.

- Tôi tôi cái con khỉ. Đã đến nước này thì chẳng cái chó gì của riêng ai.

Gã thợ sơn tràng cáu cẳn, gắt. Gã có vẻ người dưới xuôi, gã nói tiếng dưới xuôi. Anh đã bắt gặp ánh mắt gã loé lên khi gã nhìn chòng chọc vào chiếc áo phao cứu sinh màu đỏ. Ông già ở bè chuối mới lên, ông đi đến đâu mọi người đều dạt ra tránh. Dường như ở ông đang che giấu một sức mạnh quyền năng rất lớn. Ông quát:

- Của nó, trả cho nó thôi.

Chiếc áo phao được quẳng lại cho anh. Đến lúc ấy, anh vẫn còn bị hai người đàn ông lạ đóng khổ cởi trần giữ hai cánh tay cứng ngắc, nặng trịch. Anh bảo với mọi người rằng: Anh không chạy đâu. Mà có chạy thì lên trời xuống đất đều không còn đường rồi. Cho anh khoác cái vật màu đỏ vào người. Và anh được toại nguyện. Nhưng hai người đàn ông lạ vẫn ở sát bên anh, cứ như sợ anh bay đi mất như cái máy bay trực thăng vậy.

Lại một cái bè chuối nữa táp vào mạn đồi. Cái bè chuối này có hai người bơi theo, đẩy. Ở trên bè chuối là một ma sơ và một người đàn bà. Khi họ đã lên hẳn trên đồi, một cơn sóng lũ ập tới, đánh tan cả hai cái bè chuối ở đó và làm lở một mảng đất. Mấy người quay lại nhìn, lắc đầu, lè lưỡi. Ma sơ làm dấu thánh giá rồi đi theo họ lên chỏm đồi.

Gã thợ sơn tràng đưa cho ông già một gói mỳ tôm rồi ghé sát vào tai ông thì thà thì thào. Ông già nhíu mày có vẻ giận giữ, quát:

- Luật tục làng Tà Rông không có. Ta là già làng, ta chưa xử thế bao giờ. Thả nó ra.

- Thả nó ra - Gã thợ sơn tràng nhắc lại lời già làng như cái máy

Già làng hất cái nhìn giận dữ vào mặt gã thợ sơn tràng rồi bỏ đi lên chỏm đồi. Gã thợ sơn tràng cụp mặt xuống, im lặng có vẻ nhẫn nhục chịu. Anh cười rất chua chát:

- Vậy là chính ông chủ mưu bắt tôi ở lại làm con tin. Không giữ tôi lại thì sáng mai trực thăng cũng lại chở hàng cứu trợ đến. Ông rõ chưa?

Anh định nói thêm rằng: Cần gì phải làm thế. Ông có biết là người có máu làm báo như tôi có khi còn muốn ở lại cơ đấy. Nhưng anh đã im lặng. Còn gã thì nuốt nước bọt, cái yết hầu trồi lên:

- Mẹ khỉ. Tin thế đếch nào được. Mày nhìn xem, mưa gió lũ lụt như cơn đại hồng thuỷ. Hai ngày nhịn đói rồi. Cái ang gạo của con đàn bà câm chờ đẻ ở chòi coi nương trên chỏm đồi ấy, người ta vét sạch. Máy bay trực thăng của chúng mày như chuồn chuồn phành phạch trên đầu. Bọn tao ngóng đến sốt ruột.

Anh được dẫn lên cái chòi coi nương duy nhất còn sót lại ở đồi Mâm Xôi. Cái chòi mà người đàn bà quá lứa nhỡ thì, chửa hoang đang ở đó để chờ đẻ. Làng đã xử phạt theo luật tục. Nhưng lệ làng không được đẻ trong nhà, người đàn bà ấy phải ra chòi coi nương tự đẻ rồi ôm con về. Ông già người Thượng ở bè chuối lên lúc trước người ta gọi là già làng đã chờ sẵn anh ở đó. Bây giờ anh mới có dịp nhìn kỹ ông. Ông đóng khố, cởi trần, cổ đeo vòng bạc to, mắt mịt mù sương khói. Tóc ông trắng xám bồng bềnh xuống tận vai. ở góc chòi là một cái ổ lót cỏ khô, có một người đàn bà chửa đã đến ngày đẻ đang nhăn nhó ôm bụng. Chị ta ngồi bệt xuống, vai trùm một cái chăn đụp. Ma sơ trùm khoăn choàng đầu xuống tận vai, bà đang đấm nhè nhẹ vào lưng người đàn bà chửa. Bên cạnh ổ cỏ khô là vài ba đồ dùng cũ kỹ, chẳng có thứ gì đáng giá. Nhìn thấy anh, người đàn bà chửa ú ớ, tay khua khua. Chả biết chị ta định nói gì. Con nít, ông già bà lão tịnh như không. Sau này anh mới biết lũ làng chạy lụt hết lên hang Khau Căn từ lúc lũ chưa tràn sông Tà Rông. Hơn một chục người không chạy lụt ở lại kê kích đồ lên cho khỏi ướt. Với lại họ không ngờ lũ lên cao lại nhanh đến thế. Cũng may còn chạy kịp, còn vớt được nhau dìu lên đồi Mâm Xôi.

Anh mới kịp đảo mắt nhìn quanh và chào người ở trong chòi thì ở bên ngoài có nhiều bước chân chạy chọp chẹp trên đất đồi nhão nhoét. Tiếng nhốn nháo, chộn rộn to dần. Ba bốn người đứng trước cửa chòi. Họ rất hốt hoảng, lo âu:

- Đất lại lở. Già làng ơi.

- Chúng tui chết mất. Còn vợ, còn con tui...

Già làng vẫn ngồi im phăng phắc xếp hàng và nghĩ ngợi rất lung. Cuối cùng, ông cũng bảo:

- Giàng đang nổi giận. Giàng chỉ trừng trị kẻ ác thôi. - Già làng quay lại hỏi anh:

- Mày còn giận làng Tà Rông không. Lũ làng không làm thế đâu. Chỉ có thằng thợ sơn tràng thôi. Mày là người của chính phủ. Mày có giúp được lũ làng không?

Anh bảo:

- Thưa! Sáng mai chắc chắn trực thăng của bộ đội sẽ chở hàng cứu trợ đến.

Đã nửa đêm. Vẫn ục... oà... tiếng đất lở nghe đến rợn người. ở trên mỏm đồi và mạn bên kia sau một hồi im phăng phắc giờ lại ồn ào, có nhiều tiếng la hốt hoảng. Anh nhắm mắt lại tưởng tượng đến một lúc nào đó quả đồi con này bị xoá đi, chìm đi trong nước lũ.

- Mày ngồi một mình à? - Lại gã thợ sơn tràng đầu têu giữ anh lúc ban chiều.

- ...

- Mày biết bơi không?

- Biết - Anh trả lời cho xong chuyện.

- Mày cho tao mặc thử cái áo phao đi.

Gã lại dở cái trò gì đây. Anh tự hỏi trong lòng. Cho gã mặc thử, gã sẽ mặc thật luôn. Mà không đưa cho gã thì con dao quắm sắc lẻm trong bao dao kia có tha cho anh không. Nghĩ đến đó anh rùng mình. Và không hiểu sao anh bảo gã thợ sơn tràng:

- Ông muốn cái áo phao cứu sinh hả. Nhưng chả lẽ...

Anh mới nói đến thế thì gã đã cắt lời:

- Không ai cho không chứ gì. Ý mày định đổi cái gì hả? Được thôi. Tao có cái này.

Không chờ anh nói thêm, gã tháo cái vòng bạc có lục lạc ở cổ. Cái vòng bạc phát quang loang loáng. Vậy là cái áo phao bằng cái vòng bạc, cái vòng bạc bằng... Anh đang ngẫm nghĩ thì gã thợ sơn tràng đã nói:

- Nhưng mà thôi. Mày để tao nghĩ đã.

Gã thợ sơn tràng đeo lại cái vòng bạc vào cổ. Tay gã lại còn cố tình chạm vào bao dao làm cho nó khua lộc cộc. Rồi gã bỏ đi.

Anh ngao ngán nghĩ đến gã thợ sơn tràng, nghĩ đến sự may mắn và bất hạnh, đến chuyến bay cuối ngày lên A Lưới lúc ban chiều. Lúc đó, chỉ huy trưởng cầu hàng không cứu trợ đã bảo gì nhỉ? Phải rồi, ông nói rất tha thiết: “Ở A Lưới, Nam Đông có chỗ hai, ba ngày nay bị nước lũ cô lập, chia cắt, dân chạy lụt tán loạn khắp nơi. Tôi rất quý phục các nhà báo không sợ nguy hiểm muốn đến tận nơi đó để chụp ảnh, săn tin. Nhưng đồng bào mình đang đói, rét. Nhà báo lên thì mỳ tôm, lương khô xuống. Các anh chị chọn đi.” Còn chọn cái gì nữa, xuống thôi. Nhiều đồng nghiệp của anh đã leo lên máy bay trực thăng rồi lại tự giác xuống. Chỉ còn anh, năn nỉ được ở lại cùng tổ lái để chụp ảnh săn tin, nhưng với điều kiện làm thay luôn cả công việc của một người thả hàng cứu trợ. May mắn hay bất hạnh? Anh không dám nghĩ nữa. Anh đang ở một nơi xa lạ với những người xa lạ trong một đêm kinh hoàng.

Đã gần sáng. Mưa tạnh hẳn. Một nửa trời phía đằng Đông trắng mờ. Còn một nửa phía đằng Tây vẫn đen kịt. Mây mưa ở tận tít thượng nguồn vẫn chưa thôi. Nước lũ vẫn tiếp tục dâng lên. Anh đứng dậy để đi lên chỏm đồi thì chợt nghe thấy tiếng kêu lạ. “Gầu... gầu... gầu...” Tiếng kêu khàn khàn rất lạ rơi tõm vào đêm nước lụt hoang lạnh. Một chấm đen mờ mờ từ xa trôi lại gần. Không nhìn rõ hình thù là cái gì, chỉ thấy nó động đậy. Người anh sởn gai ốc da gà. Tiếng kêu “gầu... gầu...” to dần, to dần. Tim anh đập liên hồi, tay chân thì díu lại. Hệt như ngày xưa còn nhỏ đi qua nghĩa địa lúc mờ sáng nghe tiếng sột soạt của ma nhà táng ẩn hiện trong sương mù. Thần hồn nát thần tính, đến khi trấn tĩnh lại nhìn kỹ, thì ra con trâu nhà nào sổng chuồng đi ăn sớm.

Lại “ục... oà...” tiếng đất lở. Cái chấm đen cứ to dần, to dần. Hoá ra là một cái thuyền con. Cái thuyền chở cái vật động đậy ấy lao đến ngay dưới chân anh. Nước xoáy làm lở tiếp một mảng đất và sóng đánh ập vào làm cái thuyền quay ngang, dạt luôn vào mạn đồi đang lở. Cái vật động đậy ở trên thuyền ngã dúi dụi. Tiếng sột soạt ở đáy thuyền và lại tiếng kêu “gầu... gầu... gầu” cất lên. Anh nhìn kỹ cái vật động đậy ấy, nhưng không rõ. Anh với tay kéo cái thuyền con và bấm đèn pin soi. Một con chó vện khá to mắt ướt rượt cứ lè lưỡi liếm liếm. Dưới lòng thuyền phía tay lái có một cái dép lê đàn ông. Có lẽ người đàn ông nào đó đã kịp bế con Vện chạy lụt lên thuyền, nhưng không may anh ta bị rơi xuống nước do trượt chân, mất đà, hoặc do đói rét quá. Con Vện bất đắc dĩ phải trôi nổi trên cái thuyền con. Anh chợt nghĩ đến “Con thuyền Nô-ê” trong cơn đại hồng thuỷ huyền thoại năm xưa. Anh đã gặp may thật rồi. Nhưng đất trời mênh mông tối sáng thế này biết đi đâu.

Anh bế con Vện lên khỏi thuyền. Rồi mắm môi mắm lợi kéo cái thuyền con sang mạn đồi không lở ở phía Nam và giấu cái thuyền con vào một bụi tre còn sót lại đã bị gió đập xơ xác. Giấu thuyền xong, anh ôm con Vện vào lòng đi gặp già làng. Chẳng thấy con Vện sợ hãi, nó cứ nép đầu vào lòng anh.

- Đứng lại. Tao biết mày vừa làm gì rồi.

Vẫn lại gã thợ sơn tràng. Dường như gã theo sát mọi hành động của anh. Anh lên gân, lên cốt bảo:

- Ông làm quái gì mà phải cuống lên thế.

- Đất lở ùng ục. Sắp chết cả lũ rồi.

- Thế ra ông cũng sợ chết. Và ông cố giữ tôi lại để chết chìm với ông.

- Mày thông cảm. Tao đâu nghĩ nước lên cao và nhanh đến thế. Tao chỉ nghĩ đến cái bụng đói thôi. Già làng bảo: Từ thời thượng cổ đến giờ chưa lúc nào lũ lụt kinh thế. Mày đã có cái áo phao cứu sinh. Còn cái thuyền...

- Cái thuyền để già làng phân xử.

- Đừng. Tao xin mày. Uy quyền già làng lớn lắm. Già cho ai, người ấy được. Tao có cái này. Mày ưng không?

Gã thợ sơn tràng tháo cái túi ở bên người. Gã lại dở cái trò gì thế nhỉ. Lật nắp túi ra, mở nilông, gã gí sát cái miệng túi vào mặt anh. Trời đất! Vô vàn các đốm sáng xanh rợn li ti và một mùi thơm ngàn ngạt.

- Cái quỉ quái gì vậy?- Anh hỏi.

- Trầm. Trầm hương ở cây dó. Lân tinh phát sáng đấy. Mày đổi chứ. Sắp sáng rồi. Lên thuyền tao sẽ chuồn luôn. Không ai biết đâu.

- Ôi dào... Tôi thở hắt ra - Nhưng cái thuyền ấy thủng rồi. Vỡ một mảnh ván rồi.

- Mẹ khỉ. Thế thì nói làm chó gì.

Không biết sao lúc đó anh đã nói dối. Gã lại tin là thật.

Trời bắt đầu sáng. Phía đằng Tây trời vẫn âm âm u u. Gió không thấy thổi nữa. Mây cũng không sà xuống nữa. Nhưng quả đồi Mâm Xôi đã bị lũ xói lở đến non nửa ở phía sông Tà Rông. Người ta bảo nhau đã dồn hết về mạn đồi phía Nam. Già làng, người đàn bà câm sắp đẻ và ma sơ cũng không dám ở cái chòi coi nương nữa. Ma sơ tay xách túi đồ, tay dìu người đàn bà câm đi xuống dốc rất nặng nề. Người đàn bà câm đang chửa cứ ôm bụng, miệng ú ú ớ ớ những tiếng nho nhỏ như cầu nguyện. Anh cởi cái áo phao cứu sinh đưa cho chị ta. Chị vẫn thờ ơ không cầm. Già làng làm động tác ấn chiếc áo xuống nước cho nó nổi lên, rồi ra hiệu bằng điệu bộ như bảo với chị ta rằng mặc vào sẽ không bị chìm xuống nước. Chị vẫn không cầm, đầu lắc lắc, tay huơ huơ. Già làng nói: “Nó bảo mày cho nó thì mày chết chìm à?”. Anh cười, rồi ra hiệu, lấy tay cào cào, xoải xoải như nói với chị ta rằng anh biết bơi không chìm đâu. Chị ta có vẻ hiểu ra, cười nhỏn nhoẻn, gật đầu như cảm ơn và mặc áo phao cứu sinh vào người. Chị chửa bụng to quá. Cái áo khoác vào nhưng vẫn hở bụng, chưa tìm được dây mà buộc lại được.

Không thấy gã thợ sơn tràng đâu. Linh tính mách bảo cho anh rằng hắn đang mưu tính một việc gì đó. Anh chạy hộc tốc xuống chỗ bụi tre. Quả đúng như anh nghĩ, gã thợ sơn tràng đang cong lưng kéo cái thuyền ra khỏi chỗ anh giấu. Gã kéo tuồn tuột xuống tận mép nước. Rồi gã quay lên ôm gói trầm, bước xuống thuyền.

- Dừng lại! - Anh hét lên.

Gã thợ sơn tràng lờ như câm điếc, đẩy mạnh một chân vào đất đồi. Con thuyền lao ra ngoài mấy sải. Có nhiều người lọp chọp chạy đến, nhốn nháo. Người đàn bà câm ú ớ, ú ớ... Ma sơ đánh rơi giỏ đồ.

Vèo... Anh chỉ kịp nhìn thấy con Vện lao vun vút từ trên đồi phi như bay xuống mũi cái thuyền con đánh rầm một cái. Mũi thuyền ghìm xuống, nước ào vào. Con Vện theo quán tính quăng thân vào chân gã thợ sơn tràng, nó mất đà bị hất luôn xuống nước. Thuyền chòng chành chao nghiêng. Gã thợ sơn tràng còn đang ôm bọc trầm chới với đổ ùm xuống nước. “Cứu... cứu... tôi”. Hắn ngóc lên rồi lại chìm xuống. Con Vện lóp ngóp, lóp ngóp bơi. Lại vèo... một vật màu đỏ nhoang nhoáng bay trước mắt anh. Người đàn bà câm sắp đẻ đã cởi chiếc áo phao cứu sinh ném xuống. Miệng chị lại ú ớ la. Nhưng mà trời ơi. Cái áo phao bị xoáy theo dòng nước trôi đến chỗ con chó vện. Một chân trước với được cái áo phao, một chân nữa của nó chả hiểu thế nào lại thò được vào một ống tay áo người ta may cụt, hở nách. Và kỳ lạ làm sao, không biết do nước quẩn hay con Vện cố bơi, bơi gần đến chỗ cái đầu gã thợ sơn tràng nhấp nhô.

Không còn thời gian suy nghĩ nữa, anh chỉ kịp ấn cái máy ảnh vào tay già làng rồi lao xuống. Anh sải sải, bám vào được cái thuyền nước đã vào đến một phần ba. Lựa chiều anh vừa bơi, vừa kéo thuyền đến gần cái đầu của gã thợ sơn tràng đang nhấp nhô, nhấp nhô. Đến khi anh kéo được gã vào sát mạn đồi cho mấy cánh tay thò xuống kéo lên thì có tiếng hô rất to: “Trực thăng đến rồi. Bộ đội đến rồi”. Trước lúc thiếp đi anh còn nghe những tiếng bục... bục..., và nhoáng nhoáng những chiếc phao cứu sinh màu đỏ của đồng đội anh ném từ trực thăng xuống.

*
* *

Hai tháng sau, anh trở lại Tà Rông, cái nơi anh đã có một đêm kinh hoàng. Toà soạn cần có bài và ảnh của phố phường, làng bản sau lũ cho số báo Tết. Làng Tà Rông trước lũ thì anh không hình dung nổi vì trước đó anh chưa đến. Còn làng Tà Rông sau lũ chỉ còn trơ nền đất cũ được phủ một lớp đất đỏ mới. Làng không còn ở đó nữa, chính phủ lập làng mới cho Tà Rông lui vào phía sát dãy đồi Khau Căn. Nhưng cái nhà nguyện thì vẫn thấp thoáng trong sương chiều lãng đãng còn nguyên trên nền làng cũ.

Anh đang tìm cách hỏi đường về làng mới thì bất ngờ gặp gã thợ sơn tràng đi nương về. Gã mừng rú: “Ô. Cái nhà báo. Cám ơn nhiều. Nhiều lắm. Về nhà tao thôi. Tao mời về nhà tao uống rượu”. Anh cũng vui lây: “Ừ thì về, thì uống”. Anh hỏi thăm lũ làng. Gã chẳng ngần ngại kể thông thốc. Thế là mọi người ai cũng đã về nhà nấy. Già làng vẫn là già làng. Ma sơ ở nhà nguyện vẫn đi làm việc thiện. Gã thợ sơn tràng thôi không về dưới xuôi, không đi rừng nữa, ở nhà làm nương và chăm vợ. Anh hỏi: “Vợ ông khoẻ không, chắc là đẹp lắm”. “Thì mày biết rồi đó”. “Đâu có. Ai vậy?”. “Người đàn bà câm quẳng áo phao cứu sinh hôm lụt cho tao chớ ai. Tao mới cưới chưa đầy tháng”. “Trời đất...”. “Thì người ta tốt quá trời như vậy thì cưới chớ sao!”.

Gã thợ sơn tràng cười khùng khục. Tiếng cười lẫn vào tiếng chuông chiều dội về làng mới yên ả, thanh bình quá. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.