Xã hội

TS.Trần Hữu Sơn: Tranh cướp vật thiêng chỉ xảy ra thời đại ngày nay

03/02/2017, 14:55
image

Cướp vật thiêng dẫn đến đánh nhau là hiện tượng đáng lên án, thiếu văn hóa, không hiểu về phong tục tập quán.

Tran Huu Son

TS. Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN.

TS. Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, để hạn chế những hình ảnh phản cảm như chen lấn xô đẩy, tranh cướp vật thiêng cần nhiều giải pháp. Trong đó, cần có chế tài xử phạt nghiêm và xây dựng quy tắc cho người đi lễ hội.

Cướp giật, chen lấn vẫn sẽ diễn ra

Mùa lễ hội năm nay đã bắt đầu, những hình ảnh tranh cướp vật thiêng tại chùa Hương, chen lấn xô đẩy ở đền Gióng vẫn nóng ran trên các mặt báo. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Lễ hội là một sự kiện quan trọng của cộng đồng, là đỉnh điểm của các loại hình văn hóa dân gian như: Tín ngưỡng, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật múa, ẩm thực, trò chơi dân gian… Trong bất cứ lễ hội nào cũng có lễ thiêng. Vật thiêng của cộng đồng chi phối cá nhân. Chính vì thế, ngày xưa không bao giờ có chuyện tranh cướp vật thiêng. Lễ cầu thiêng thường diễn ra bình lặng chứ không cực đoan, biến tướng thành tranh cướp, nhốn nháo và thô thiển như bây giờ.

Những hành vi tranh cướp vật thiêng chỉ xảy ra ở thời đại ngày nay. Cướp vật thiêng dẫn đến ẩu đả, đánh nhau là hiện tượng đáng lên án, thiếu văn hóa, không hiểu về phong tục tập quán, làm lễ hội méo mó.

Việc chen lấn xô đẩy, tranh cướp vật thiêng có nhiều nguyên nhân. Theo ông, nó bắt nguồn từ đâu?

Nguyên nhân bởi sự chuyển đổi cơ chế thị trường đã làm đảo lộn giá trị. Đặt chữ “chạy” lên hàng đầu. Ai cũng tranh chức, tranh quyền, tranh đủ thứ, chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, khiến cho người đi lễ hội chỉ chăm chăm đặt vấn đề lợi ích lên hàng đầu.

Nguyên nhân thứ hai do chưa dự báo được tình huống xảy ra nên chưa có chế tài để cho mọi người ứng xử bắt buộc với lễ hội. Ví dụ, chế tài xử phạt.

Thứ ba, người đi lễ hội bao giờ cũng có tâm lý tranh giành, sự hiểu biết không sâu sắc.

6_1858059

Hàng trăm thanh niên lao vào cố gắng cướp đầu pháo lấy may tại lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa, thị xã Lạng Sơn.

Một nguyên nhân khách quan là do lễ hội ngày nay phát triển mạnh vì nhu cầu, tâm thế của người dân đi dự lễ hội khác xưa. Các quy mô của lễ hội ngày càng lớn, không còn lễ hội đóng khung trong phạm vi làng xã, mà đã trở thành lễ hội mang phạm vi vùng, cả nước nhất là các lễ hội tín ngưỡng.

Người dân đi lễ hội không chỉ có nhu cầu giải trí, thư giãn mà còn mong muốn những điều trong cuộc sống thực tại khó đáp ứng hoặc cầu xin những điều hằng mong đợi (cầu sức khỏe, tiền tài, thăng chức...). Vì thế, lễ hội thường được mở rộng phạm vi, không gian, số lượng người đi lễ hội ồ ạt... gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý lễ hội hơn xã hội cổ truyền xưa kia. Việc phát triển lễ hội, mở rộng quy mô lễ hội dẫn đến tình trạng khó quản lý.

Chính vì thế, tình trạng tranh cướp vật thiêng trong mùa lễ hội năm nay vẫn sẽ diễn ra, bởi ý thức của những người tham dự chưa chuyển đổi mà các cơ quan quản lý văn hóa lại chưa đưa ra được các cơ chế, chế tài xử phạt. Khi nào có chế tài xử phạt nghiêm những người tranh cướp vật thiêng (như tranh cướp lộc sau lễ khai ấn đền Trần) thì lễ hội mới nghiêm.

Nhà nước phải quản lý lễ hội

Có một số ý kiến cho rằng, sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương vào lễ hội dân gian truyền thống - nơi đáng ra, người dân phải là chủ thể của lễ hội?

Một số nhà khoa học không qua thực tiễn cho rằng, do chính quyền địa phương không trả lại lễ hội cho dân nên mới gây ra tình trạng như vậy. Cái này theo tôi không đúng. Trong cơ chế thị trường chuyển đổi như vậy, vai trò của Nhà nước là quan trọng. Cái gì phân cấp cho chính quyền nên phân cấp cho chính quyền. Ngày xưa các lễ hội của làng, xã không có tình trạng chen lấn xô đẩy nhưng bây giờ tình hình lễ hội phức tạp. Ngộ độc phức tạp, an ninh, giao thông phức tạp. Nhà nước phải quản lý. Còn vận hành các nghi lễ, thức thế nào là do cộng đồng đứng ra tổ chức. Phân trách nhiệm ra Nhà nước làm gì, người dân làm gì?

Khi tất cả theo cơ chế thị trường thì thương mại hóa lễ hội là không tránh khỏi. Nhưng vai trò quản lý của Nhà nước phải được phát huy. Đi lễ chùa, có những dịch vụ ăn, nghỉ, nhưng không có nghĩa dịch vụ đó là chặt chém, khuyến khích trong lễ hội giảm giá tốt hơn.

Vậy theo ông, cụ thể phải làm thế nào để đưa lễ hội dân gian trở lại đúng với ý nghĩa tốt đẹp của nó, trong bối cảnh vừa muốn bảo tồn, vừa không thể cưỡng lại sự phát triển tới mức khó kiểm soát như hiện nay?

Muốn lễ hội trở về ý nghĩa tốt đẹp của nó có nhiều giải pháp. Nhưng giải pháp hàng đầu là phải phân tích được đặc trưng của lễ hội là gì và dự báo xu hướng phát triển của lễ hội. Thứ hai, xây dựng các mô hình quản lý phù hợp. Ví dụ, không thiên quản lý Nhà nước cũng không thả lỏng về cộng đồng. Thứ ba, xây dựng quy ước, quy tắc của những người đi lễ hội. Thứ tư, có những phương án, đề phòng với những tình huống bất ngờ xảy ra.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh, chính sách nào thì chính sách, nhưng mỗi địa phương phải có sự áp dụng, sáng tạo, không thể áp dụng một cách máy móc, nguyên xi; phải bảo đảm người dân được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội… Không coi nhẹ việc quản lý của Nhà nước đối với lễ hội, nhưng phải đề cao vai trò tự quản của người dân, tôn trọng cộng đồng.

Cảm ơn tiến sĩ!

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.