Làm báo cùng Giao thông

Từ chuyện cứu sống bệnh nhân bị trả về

17/12/2016, 21:12

“Bệnh viện tỉnh trả về để lo hậu sự, chuyển viện sang tỉnh khác, bệnh nhân được cứu sống”.

15609454_1220484021367250_844409683_o

Chất lượng khám chữa bệnh tại Gia Lai còn nhiều bất cập

1. Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, vừa cứu thành công một ca bệnh hy hữu. Người bệnh được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trả về để lo hậu sự, nhưng khi chuyển xuống bệnh viện này đã được cứu sống.

Đó là trường hợp bệnh nhân Lê Thị Rạng (73 tuổi, ở TX Ayun Pa) nhập viện ngày 19/11 trong tình trạng hôn mê.

Trước đó, bà Rạng đã có một tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trong tình trạng không tự hô hấp được, suy kiệt trầm trọng gây phù nề nặng, viêm phổi do nằm một chỗ quá lâu. Các bác sĩ ở Gia Lai chẩn đoán bà bị xuất huyết não, được bệnh viện cho về nhà để lo hậu sự.

Ta Vinh YEn

Tạ Vĩnh Yên

Gia đình chuyển xuống Bệnh viện Quy Hòa với hy vọng rất mong manh. Tại đây, bà Rạng được hồi sức tích cực, truyền đạm, kết hợp acid amin, chăm sóc chế độ dinh dưỡng bằng nhiều cách và tiêm kháng sinh đặc trị viêm mô tế bào.

Một lãnh đạo của Bệnh viện Quy Hòa cho biết, khi điều trị tại Gia Lai, viện chỉ lo chữa trị bệnh cho bệnh nhân mà lơ là phần dinh dưỡng. Đây là phần hết sức quan trọng để giúp người bệnh có thể đáp ứng thuốc và phục hồi nhanh.

2. Tại phiên thảo luận kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Chủ tịch HĐND, Bí thư Thị ủy An Khê nêu thực trạng nhiều bác sĩ ở Gia Lai không chịu nổi áp lực công việc do quá tải, thu nhập thấp và thường xuyên bị đe dọa, xúc phạm đã chuyển công việc đến các địa phương khác.

Bà Lịch dẫn chứng ngay ở bệnh viện khu vực An Khê: Quy mô bệnh viện hạng 3, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, quá tải, số lượng bác sĩ và bác sĩ chuyên môn cao đều thiếu. Việc tuyển chọn bác sĩ về làm việc tại địa phương ngày một khó khăn do họ “không mặn mà”. Theo bà Lịch, trình độ của y, bác sĩ tại các bệnh viện công ở tuyến huyện, tuyến tỉnh Gia Lai có sự chênh lệch so với khu vực. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa khu vực công và tư chênh lệch khá nhiều.

Trước đây, tỉnh Gia Lai có cơ chế cho đối tượng y sĩ đi học lên bác sĩ nhưng những người này trình độ chuyên môn vẫn còn hạn chế. Không thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, chữa trị bệnh nhân.

Bí thư Thị ủy An Khê đề nghị tỉnh Gia Lai có giải pháp thu hút, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt này để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, nhất là Gia Lai có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Cần bổ sung trang thiết bị, máy móc trong khám, chữa bệnh. Ngoài ra, phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho bác sĩ, nhân viên y tế an tâm làm việc.

3. Một bác sĩ chuyên khoa I, Khoa Ngoại của Trung tâm Y tế TP Pleiku vừa chuyển sang một bệnh viện tư nhân tại TP.HCM cho biết: Bác sĩ mới ra trường lương khởi điểm khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu ở các khoa phẫu thuật thì bác sĩ mổ chính được khoảng 50-100 nghìn đồng một ca mổ, mổ phụ được 30-50 nghìn đồng, mà đâu phải bác sĩ nào cũng được mổ. Trực một đêm đến sáng hôm sau chỉ được 45 nghìn đồng.

Sẽ rất phi lý khi một bác sĩ có năng lực, trình độ chuyên môn nhưng thu nhập lại không đủ để nuôi vợ con. Đó là chưa kể luôn phải tiếp xúc với môi trường nhiễm bệnh, nạn bạo hành của những người bệnh.

Anh nói, không ít người vì thiếu thốn đã nảy sinh tiêu cực như nhận phong bì, “bắt tay” với các nhà thuốc tư để hưởng “hoa hồng”. Tôi ra làm ngoài vì muốn làm giàu chính đáng bằng năng lực của mình.

4. Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình - Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Gia Lai chia sẻ giữa cuộc thảo luận tổ trong kỳ họp HĐND có mặt Giám đốc Sở Y tế rằng: “Tôi ra sân bay, đến bến xe ban đêm thì gặp toàn người đi chữa bệnh. Người bệnh đi các nơi khác để chữa trị ngày một nhiều. Có lẽ họ không yên tâm khi điều trị bệnh tại địa phương hoặc dịch vụ y tế ở tỉnh Gia Lai chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh”.

Người viết bài này không biết vị tư lệnh ngành Y của Gia Lai có cảm giác như thế nào khi nghe câu chuyện đó. Tôi không chắc ông có thấy xấu hổ không khi đọc bản tin “Bệnh viện tỉnh trả về để lo hậu sự, chuyển viện sang tỉnh khác, bệnh nhân được cứu sống”. Nhưng nếu ông cảm thấy áy náy vì ngành y tế Gia Lai không làm tròn trọng trách thì hãy có những việc làm, hành động cụ thể.

Không thể để dân Gia Lai mang tiếng nộp bảo hiểm y tế nhiều, hàng năm kết dư bảo hiểm y tế cao, mà phải bồng bế nhau đi nơi khác chữa bệnh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.