Xã hội

Từ giám đốc Sở trở lên sẽ bị kiểm soát tài sản chặt hơn

13/07/2018, 11:04

Những người có nguy cơ tham nhũng cao, người giữ chức từ Giám đốc Sở chịu sự kiểm soát tài sản chặt chẽ hơn.

thao-luan-luat-phong-chong-tham-nhung

Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban TVQH cho ý kiến vào dự án Luật PCTN sửa đổi

Sáng nay (13/7), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 25, thảo luận và cho ý kiến vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Liên quan đến quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập - một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong dự án Luật này, có nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng này.

Báo cáo về một số vấn đề lớn trong dự án Luật của Ủy ban Tư pháp cho rằng, hạn chế, vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân từ những quy định chưa hợp lý của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Điển hình như việc quy định mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau; quy định về căn cứ tiến hành xác minh vừa hẹp, vừa mang tính tùy nghi; chưa có quy định để xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Luật lần này đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.

Đặc biệt, đối với người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao thì có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn; các đối tượng khác được kiểm soát ở mức độ đơn giản hơn với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm.

Về ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập, Uỷ ban Tư pháp cho rằng như vậy sẽ dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập. Hơn nữa, phương án này vừa không phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy, biên chế; vừa gặp phải vướng mắc.

Vì thế, dự án Luật được chỉnh lý về nội dung cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, người được cử giữ chức vụ quản lý tương đương trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Thanh tra bộ, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người được cử giữ chức vụ quản lý tương đương trong doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và giữ chức vụ quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan này. 

Cơ quan có thẩm quyền của Đảng, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng tài chính công, tài sản công kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại tổ chức đó.

TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước.

Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.