Chuyện dọc đường

Từ “hỏi - đáp” đến tranh luận tới cùng

26/06/2017, 06:59

Tại kỳ họp vừa qua, điểm đổi mới dễ thấy là điều hành của Chủ tịch QH đi theo xu hướng dân chủ hơn.

chat-van1

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tại phiên chất vấn chiều 13/6. Ảnh: Quochoi.vn

Riêng về nội dung chất vấn, lâu nay chúng ta có truyền thống hỏi - đáp, giải trình, nhưng nay có thêm nhiều tranh luận, đây cũng là điểm rất hay.

Nhiều vấn đề được đặt ra ở nghị trường thúc đẩy thực hiện quyền của ĐB nhưng cũng giúp các thành viên Chính phủ có cơ hội thể hiện mình hơn, bộc lộ bản lĩnh của mình hơn.

Việc chất vấn và cho tranh luận đến cùng trên hội trường cũng không để khoảng trống cho các thành viên Chính phủ có thể né tránh trả lời hay xin khất báo cáo sau như những kỳ họp trước. Tranh luận đến cùng không có chỗ cho anh che giấu những yếu kém, hạn chế trong quá trình quản lý điều hành công việc trong lĩnh vực được giao. Với cách làm này, nếu những người có trách nhiệm làm hời hợt thì sẽ lộ ra ngay. Nhưng như thế cũng có nghĩa là các thành viên Chính phủ phải chịu áp lực lớn hơn.

Đây là kỳ họp mà lần đầu tiên kéo dài thời gian thảo luận đến tối, đây là điểm mới, có cái tốt nhưng cũng có cái không tốt. Tốt là có thêm thời gian để các ĐBQH có cơ hội truyền tải ý kiến, nguyện vọng của cử tri, để nghị trường hoạt động sôi động hơn. Nhưng xét về chu kỳ làm việc, nếu kéo dài như thế cũng có thể khiến ĐBQH mệt mỏi, lượng cử tri tập trung theo dõi cũng không còn nhiều như trong giờ hành chính. Bởi vậy, kỳ sau có thể xem xét, nghiên cứu kéo dài thảo luận bằng cách tăng thời gian trong giờ làm việc chứ không nên kéo dài ngoài giờ hành chính.

Về chất lượng ĐBQH, kỳ họp này hầu hết là ĐB còn mới, cần có thêm thời gian chứ chưa thể đánh giá chất lượng ĐBQH, nhưng nhìn chung, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều khía cạnh thể hiện tính chiến đấu, sôi nổi, nhưng tiếc là không ít vấn đề nóng chưa được thể hiện, hoặc thể hiện chưa đầy đủ trên diễn đàn Quốc hội lần này.

Ví dụ, câu chuyện đất quốc phòng, từ Tân Sơn Nhất đến Miếu Môn, rồi Gia Lâm. Hay như câu chuyện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Câu chuyện này không đơn giản chỉ là Đồng Tâm, mà tôi cho rằng, nếu đặt vấn đề này nghiêm túc và cầu thị sẽ giúp cả nước có kinh nghiệm giải quyết những sự việc tương tự. 

Lê Nam
Nguyên Đại biểu Quốc hội 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.