Điện ảnh

Tử huyệt phim truyền hình Việt: “Đầu voi đuôi chuột”

07/09/2017, 07:59

Những phim truyền hình “bom tấn” được đầu tư kỹ lưỡng, tốn kém vẫn nhận nhiều phản ứng bởi cái kết đáng thất vọng.

25

Mở đầu hoành tráng, nhưng phim “Người phán xử” có cái kết gây thất vọng

Những cái kết thất vọng

Ngày 1/9, bộ phim truyền hình đình đám Người phán xử đã ra mắt tập cuối cùng, khép lại câu chuyện về tập đoàn tội phạm Phan Thị. Trái với đẳng cấp những tập đầu đem lại, một cái kết được nhiều người cho là tệ hại đã được trình chiếu. Mọi mâu thuẫn trong phim được giải quyết chóng vánh. Cái ác bị trừng trị một cách hiển nhiên và gượng ép. Cảnh sát, công lý lại lên ngôi theo cách được dự báo từ trước. Tức là dù có kịch bản mới lạ từ nước ngoài Việt hóa lại, Người phán xử vẫn chạy theo một đường ray mà khán giả Việt đã quen thuộc từ lâu.

Thực ra, nếu cho rằng Người phán xử là nốt trầm duy nhất về cách kết thúc thì oan cho bộ phim này. Việc phim kết thúc kiểu “đầu voi đuôi chuột” vốn đã xuất hiện nhan nhản từ trước đó. Đặc biệt là trong thể loại hình sự vốn đầy rẫy những khuôn sáo. Bí mật tam giác vàng năm 2015 cũng đi theo lộ trình kết thúc cụt ngủn và nhàm chán như trên: Ta thắng, địch thua, cả nhà sum họp. Hay để khiến Người phán xử bớt cô đơn trong chuỗi phim kết dở, có thể thêm vào vài cái tên như: Đằng sau tội ác, Những đứa con biệt động Sài Gòn 1-2…

Khi vượt ra ngoài dòng phim hình sự, dòng tâm lý xã hội cũng không khá hơn. Phim Sống chung với mẹ chồng “nóng” không kém, nhưng kết cũng hẫng không kém Người phán xử. Xung đột không được giải quyết rốt ráo, nhồi nhét trong tập cuối với nhiều câu hỏi để ngỏ. Có những nhân vật quan trọng bị lờ tịt đi, như cô con dâu thứ mất tích không dấu vết. Trước Sống chung với mẹ chồng, không ít phim tâm lý ít nhiều được yêu thích như: Tuổi thanh xuân, Cầu vồng tình yêu, Chỉ có thể là yêu đều có số phận tương tự. Tức dù giàu tiềm năng, phần kết vẫn không làm thỏa mãn khán giả.

Thiếu yếu tố bất ngờ, gợi mở

Đoạn kết có vị trí đặc biệt với mỗi bộ phim. Ở trường hợp Người phán xử, sức ép lên tập cuối càng nặng nề. Dòng phim hình sự cần duy trì yếu tố kịch tính, bất ngờ vào phút chót. Càng khiến khán giả trăn trở về số phận nhân vật bao nhiêu, phần kết càng thành công bấy nhiêu. Các bộ phim hình sự kinh điển như: The Sopranos, Prison Break, Allias của Mỹ đều làm được điều này: Kẻ ác lật kèo ngoạn mục vào phút chót, các tổ chức tội phạm sống dai dẳng đến hết phần, thậm chí cả loạt phim.

Về Việt Nam, yếu tố bất ngờ hầu như bị triệt tiêu. Ê-kíp Người phán xử đã ra thông báo chính thức thừa nhận: “Nếu đặt trong tổng thể của bộ phim, chúng tôi tin rằng, các khán giả trong thâm tâm đều hiểu rằng: Cái kết bi kịch cho mỗi nhân vật là không thể tránh được. Vấn đề là nó xảy ra lúc nào mà thôi”. Không thể tạo ra ngã rẽ, do yếu tố tuyên truyền và nhân văn trói buộc, công lý đành lên ngôi theo cách gượng ép. Vậy, mới có chuyện một tập đoàn tội phạm hùng hậu như Phan Thị bị giật sập chỉ bởi một cuốn sổ và trong… 10 phút đồng hồ ngắn ngủi của tập 47. Một ví dụ trước đó, băng đảng ma túy của Lão Phật Gia trong Bí mật tam giác vàng cũng sụp đổ chóng vánh như vậy. 

Dòng phim tâm lý xã hội có độ mở lớn hơn, không bị bó buộc bởi tư duy chính nghĩa tất thắng. Nhưng điều lạ là, các sản phẩm gần đây mất dần sự tung hứng ở đoạn kết do mô tuýp “Happy ending” tràn lan. Hiếm hoi được vài phim đặt dấu ấn bi kịch vào phút cuối như: Khúc hát mặt trời, Nợ ân tình… Còn lại những: Sống chung với mẹ chồng, Tuổi thanh xuân, Cầu vồng tình yêu… đều cố gắng giải quyết mọi mâu thuẫn thật nhanh, sao cho các nhân vật có thể “hạ cánh an toàn” giờ chót.

Khi được hỏi về cái kết cổ tích của Sống chung với mẹ chồng, biên kịch Đặng Thiếu Ngân thẳng thắn cho rằng: “Dù nhiều khán giả mong nhân vật này, nhân vật kia phải bị quả báo, nhưng chính việc mong “báo ứng” cũng toát lên quan điểm trân trọng việc “ở hiền gặp lành”, tức là đề cao tính nhân văn”. Vậy, mới có chuyện nam chính trong Tuổi thanh xuân 2 hồi phục chứng mất trí nhớ theo cách không ai hiểu để… sống hạnh phúc về sau.

Làm dâu trăm họ

Cái kết dở không chỉ làm hỏng bộ phim, mà đằng sau nó là niềm tin nơi khán giả bị sứt mẻ. Riêng với trường hợp Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, đã lâu lắm rồi người xem truyền hình mới kỳ vọng nhiều đến vậy. Hai sản phẩm được coi như vực dậy cho màn ảnh nhỏ đang đi dần vào ngõ cụt. Bởi vậy, sự phản ứng lần này đặc biệt khủng khiếp và gắt gao.

Chưa bao giờ xảy ra hiện tượng chỉ trích mạnh mẽ như sau đêm 1/9. Diễn viên Bảo Anh đóng vai Bảo “Ngậu” nức nở giãi bày: “50% muốn giết tôi, 40% chửi tôi, 9% chấp nhận một cách gượng ép và 1% ủng hộ. Những phản hồi, những câu chửi cứ nhiều dần, nhiều dần và rất nhiều câu chửi vô văn hóa, sỉ nhục thậm tệ”.

Có trường hợp như Tuổi thanh xuân, do mô tuýp phim đi theo hướng tình tay ba, hai nam chính theo đuổi một cô gái và ai cũng có người hâm mộ. Thành thử, khi phim kết thúc, nhân vật Khánh bị từ chối khiến fan của anh này “ném đá” dữ dội, cho rằng đây là sản phẩm hợp tác Việt - Hàn nên phải thiên vị diễn viên Hàn Quốc nhằm nịnh đối tác.

Đạo diễn Khải Anh (đạo diễn của phim) đã phải phân trần rằng: “Làm nghệ thuật cũng như “làm dâu trăm họ”, khó mà thỏa mãn được mọi tầng lớp, lứa tuổi. Có những bộ phim hướng đến đối tượng người trẻ, thì những khán giả trung niên lại không hài lòng với kết thúc phim và ngược lại”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.