Làm báo cùng Giao thông

Từ vụ lật tàu SE19: Đặt cược số phận?!

25/05/2018, 08:39

Nhiều người bảo do không đóng gác chắn nên mới xảy ra tai nạn.

16

Khi nhân viên gác chắn báo an toàn cho tổ lái bất ngờ xuất hiện ba đứa trẻ đạp xe vụt qua đường ngang (Chụp từ trên đầu máy tàu SE1) - Ảnh: Khánh Linh

1. Đó là một buổi trưa Quảng Trị nắng gắt cháy da cách đây mấy năm. Là phóng viên, tôi xin lên ban lái tàu SE1 để đi qua đường ngang đoạn Km 639+700, thuộc địa phận xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) - nơi xảy ra vụ TNGT giữa tàu SE5 với xe ô tô tải BKS 75C-001.85. Sở dĩ, tôi quyết định xin lên ban lái cũng là để tìm lời giải cho câu hỏi tại sao với một đoạn đường sắt thẳng băng như thế, tầm nhìn không bị che khuất, đường ngang có cảnh báo tự động nhưng tài xế ô tô vẫn cố tình băng qua đường ngang và bị tàu đâm trực diện. Tài xế xe tải bị thương nặng, liệt chân. Vụ tai nạn cũng nhanh chóng được khởi tố, thiệt hại rất nặng nề cho ngành Đường sắt với một công nhân lái tàu tử nạn. Lái phụ may mắn thoát chết nhưng bị sốc nặng. Thiệt hại vật chất hàng chục tỷ đồng.

Lần này, trên ban lái, tôi vẫn thấy cả chiếc ô tô tải cố tình băng qua đường ngang này dù tàu hỏa đang lao đến với tốc độ 73km/h. Dường như, tài xế không biết cách đây ít hôm đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm đến thế.

2. Trong cái chòi gác be bé ở bên cạnh đường ngang, tôi thấy có hai công nhân gác chắn trực. Cả căn phòng nóng hầm hập giữa trưa hè. Chốc chốc điện thoại reo báo tàu đến. Hai công nhân gác chắn lại tất tả ra đẩy cái chắn nặng nề, vừa đẩy vừa quan sát dòng xe nườm nượp tranh thủ băng qua đường sắt. Có người cố tình lách qua không quên quay lại ném cho người đẩy chắn cái nhìn không mấy thiện cảm. Phải vất vả lắm hai công nhân mới đóng được hết chắn để đón tàu qua. Vất vả thế, nhưng cuộc sống và điều kiện công việc rất cực nhọc. Do đặc thù phải canh tàu nên mọi gác chắn đều không được trang bị tivi, không có internet và các phương tiện giải trí khác để tránh việc công nhân gác chắn mê mải mà quên giờ tàu đến. Nhiều gác chắn còn có hệ thống chống buồn ngủ. Thế đấy, tôi cũng đã từng nếm trải cảm giác canh tàu đêm ở chòi gác giữa rừng, cứ tròng trọc thế mà không dám lướt smartphone, ngồi đếm tiếng ếch kêu và ngóng chuông reo báo tàu. Buồn lắm, nhưng cảm giác của người gác chắn dường như đã chai sạn. Ngay cả những tiếng nhiếc móc, cái “nhìn đểu” của người đi đường cũng không còn khiến người gác chắn để ý nữa. Bởi, họ phải bỏ qua tất cả để đón tàu qua đường ngang an toàn. Vậy mà, đâu thấy ai hiểu.

3. Sáng sớm qua, nhận được tin dữ có vụ tai nạn đường sắt khiến hai lái tàu tử vong, hơn chục người bị thương. Thói quen thời còn phóng viên trỗi dậy, tôi lại muốn lao ra hiện trường. Lại là chiếc xe tải băng qua đường ngang và bị tàu đâm trực diện. Đến bao giờ mới hết cảnh này? Có nhiều người bảo do không đóng gác chắn nên mới xảy ra tai nạn. Chuyện này đúng hay sai còn chờ điều tra. Nhưng chúng ta tại sao lại phải đặt cược tính mạng mình cho người khác? Trong khi hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình. Mỗi lần đến đường ngang, chỉ cần dừng lại, quan sát chút xem có tàu không rồi hãy băng qua đường sắt. Thực ra, điều này cũng đã được quy định trong luật. Người muốn băng qua đường sắt phải dừng lại quan sát, khi nào chắc chắn an toàn mới được phép qua. Nếu ai cũng làm được thế, tai nạn khó xảy ra. Hãy tự bảo vệ mình chứ đừng đặt cược số phận khi băng qua đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.