Văn hóa - Giải Trí

Từ vụ Trấn Thành, Hương Giang: Khi nghệ sĩ chỉ là con tốt

15/05/2017, 13:25

Thời gian gần đây, gameshow đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng.

on-ao-nghe-si.

Ồn ào giữa ca sĩ Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân đang thu hút sự quan tâm của dư luận

Trước là về chất lượng nội dung, cách trình diễn của nghệ sĩ. Và giờ lại nổi cộm thêm cách tổ chức, tư duy hành xử của nhà sản xuất, đài truyền hình sau mỗi sự vụ lùm xum.

Cách đây không lâu, danh hài Trấn Thành bị đài Truyền hình Vĩnh Long tuyên bố cắt sóng trong một gameshow trẻ em. Những lý do đưa ra có vẻ lọt tai, rằng Trấn Thành ngày càng trở nên thiếu tiết chế trong ngôn từ và cách trình diễn. Thế nhưng, khi hùng hồn tuyên bố cấm sóng danh hài, nhà đài Vĩnh Long dường như quên mất họ mới là những người nhận trách nhiệm đầu tiên về việc quyết định ai lên sóng và lên như thế nào.

Vụ việc chưa qua đi, tới lượt câu chuyện ồn ào giữa ca sĩ Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân. Trong gameshow Siêu sao đoán chữ, ca sĩ chuyển giới đã có lời lẽ xúc phạm tới nghệ sĩ tiền bối. Mọi chuyện sẽ đi quá xa, nếu nhà sản xuất giữ câu chuyện trong tầm kiểm soát. Nhưng thay vì điều phối đôi bên giảng hoà, đơn vị này cắt phăng phần lên sóng của nghệ sĩ Trung Dân. Một cái tát thẳng tay vào mặt người nghệ sĩ già.

Chính cách đối xử ấy mới là giọt nước làm tràn ly, đưa vụ việc từ một câu nói hớ hênh trở thành một làn sóng phẫn nộ bao trùm truyền thông, mạng xã hội. Hương Giang Idol ở đây và Trấn Thành trong vụ việc trước kia đều có phần đáng trách. Nhưng để dẫn tới hệ quả như hiện tại, đều bắt nguồn từ cách xử lý khủng hoảng tệ hại, hay nói đúng ra là vô cảm của người làm truyền hình.

Ở đó, các gameshow không còn là sân chơi để thi thố cái duyên, tài trình diễn. Người nghệ sĩ không còn là nhân vật trung tâm, linh hồn của chương trình. Tất cả được quy ra giá trị kinh tế, tính bằng lượt xem và rating đầy mùi tiền bạc. Và khi có sự vụ xảy ra, nhà sản xuất sẵn sàng vứt bỏ nghệ sĩ như một chi tiết máy móc thay thế được. Hay tệ hơn, như Trấn Thành - Hương Giang, trở thành những tấm bia hứng chỉ trích hay câu dư luận. Nghệ sĩ phải đăng đàn xin lỗi đã có nhiều, nhưng đã bao giờ dư luận được nghe một lời xin lỗi từ phía những đơn vị sản xuất?

Chưa bao giờ chất lượng truyền hình bị phàn nàn như hiện nay. Nhưng tìm mãi không ra cách giải quyết, có lẽ chính vì chúng ta bỏ quên trách nhiệm của các nhà sản xuất mà chỉ xoáy vào người nghệ sĩ. Với cách làm việc vị kỷ đến đáng sợ của những người đứng sau tổ chức, không biết sẽ còn bao nhiêu nghệ sĩ bị bóp méo tư duy trình diễn, trở thành con tốt thí trong các sự cố khủng hoảng truyền thông sau này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.