Xã hội

Tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có thể bị mù

19/03/2014, 06:17

Bệnh Glôcôm (thiên đầu thống) là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa (chỉ sau đục thủy tinh thể). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người không biết về căn bệnh này.

Bệnh Glôcôm (thiên đầu thống) là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa (chỉ sau đục thủy tinh thể). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người không biết về căn bệnh này.
 

Bác sỹ Bệnh viện Mắt T.Ư đang khám cho bệnh nhân Glôcôm
Bác sỹ Bệnh viện Mắt T.Ư đang khám cho bệnh nhân Glôcôm


Mù lòa ở tuổi lao động

Tại khu nội trú, Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt T.Ư, anh Vũ Ngọc Tịnh (35 tuổi, trú tại Hải Thịnh, Nam Định) vừa trải qua cuộc phẫu thuật mắt bị tổn thương do mắc căn bệnh Glôcôm. Theo anh Tịnh, cách đây 6 tháng, anh luôn thấy có một lớp sương trắng mỏng trước mắt, mắt mờ hẳn đi. Đi khám, anh quá bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán mắt anh bị bệnh Glôcôm thứ phát, đã bước vào giai đoạn muộn, thị lực chỉ còn khoảng 15%, nguy cơ mù lòa cao nếu không kịp thời phẫu thuật.
 

"Ước tính, trên thế giới sẽ có 80 triệu người mắc bệnh Glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% trên quần thể dân số là 40 tuổi.  Số người mù lòa cả hai mắt do Glôcôm sẽ tăng từ 8,4 triệu năm 2010 lên 11,2 triệu người vào năm 2020”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Theo Ths, BS. Đỗ Hoàng Hà - Bệnh viện Mắt T.Ư, đa số các bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây đều giật mình như anh Tịnh, không nghĩ bị bệnh nặng đến thế, bởi ban đầu các bệnh nhân chỉ có chút biểu hiện dặm mắt, ra gỉ nhưng không đi khám mà tự ý mua thuốc có thành phần corticoid tra mắt trong thời gian dài. “Những loại thuốc này có tác dụng nhất thời khiến bệnh nhân có cảm giác mát, khô ráo và không ra gỉ ở mắt nữa, nhưng phản ứng phụ của thuốc để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến bệnh nhân mắc phải căn bệnh Glôcôm”, BS Hà cho biết.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt T.Ư, có tới 31,7 - 33,1% bệnh nhân Glôcôm có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài. “Tình trạng người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoid kéo dài, không có chỉ định của thầy thuốc đang ở mức báo động. Và điều đáng lưu ý, bệnh nhân Glôcôm lứa tuổi lao động (25-59 tuổi) chiếm tỷ lệ 63,1%, gây tổn thất kinh tế lớn cho mỗi gia đình người bệnh và cả xã hội”, BS Hà nhấn mạnh.

Nên khám sàng lọc

BS Đỗ Tấn - Trưởng khoa Glôcôm (Bệnh viện Mắt T.Ư) cho biết: “Glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng bệnh. Bệnh không có thuốc điều trị, phẫu thuật cũng không thể phục hồi được những tổn thương do Glôcôm gây ra”.

Bệnh Glôcôm có 2 dạng lâm sàng chính: Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Bệnh Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện như: Nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, buồn nôn, mắt đỏ, sưng và chảy nhiều nước mắt. Tuy nhiên, bệnh Glôcôm góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm gọi là Glôcôm góc đóng mạn tính. Ngược lại, bệnh Glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm: Không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng (co hẹp từ ngoại biên, hoặc mất một vùng nhìn ở trung tâm). Khi bệnh nhân xác định được những biểu hiện trên cũng là lúc bệnh bắt đầu bước vào giai đoạn muộn.

Theo BS Đỗ Hoàng Hà, bệnh Glôcôm càng được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, càng ít ảnh hưởng đến thị lực. Chính vì vậy, mọi người nên có ý thức đi khám sàng lọc bệnh đối với những người từ 40 tuổi trở lên. Đặc biệt, với những người có người trong gia đình đã mắc bệnh này, người bị cận hoặc viễn thị nặng và người có cấu trúc mắt dễ bị nhiễm dịch, càng cần khám đĩa thị và đo nhãn áp định kỳ một lần/năm nhằm kịp thời phát hiện bệnh. Đặc biệt lưu ý, không được tự dùng các loại thuốc kháng sinh tra mắt.

Bảo Chi - Nùng Thị Bún
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.