Xã hội

Tung thông tin làm hại người khác phải bị xử lý

29/06/2015, 08:56

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, để đảm bảo an toàn thông tin thì mỗi nước đều có nhiều luật điều chỉnh khác nhau.

Bo_truong_Son
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son

Theo Hiến pháp, mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và cung cấp thông tin, nhưng nếu làm phương hại tới lợi ích người khác, làm ảnh hưởng tới người khác thì phải bị xử lý.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Báo Giao thông về những tác động, ảnh hưởng của mạng xã hội và cơ chế để kiểm soát, quản lý, hạn chế tối đa những hệ lụy đáng tiếc mà mạng xã hội đem lại, đặc biệt sau vụ một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử sau khi bị bạn trai tung clip “quan hệ” giữa hai người lên mạng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, để đảm bảo an toàn thông tin thì mỗi nước có nhiều đạo luật điều chỉnh khác nhau. Ở nước ta đã gộp tất cả “an toàn thông tin mạng” vào một luật. Chúng ta không thể phủ nhận tác động của mạng xã hội. Mới đây nhất là sự việc của một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai phải tự tử do không chịu nổi áp lực từ dư luận, mạng xã hội sau khi bị chính bạn trai tung clip sex.

Có thể thấy, đó là thông tin riêng của hai người. Nó cũng gần như là bí mật của hai người nhưng lại bị tung lên mạng… Hành vi của người bạn trai kia đã vi phạm đạo đức. Sự việc này cũng đặt ra vấn đề an toàn thông tin trên mạng mà cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ TT&TT.

Về mặt giáo dục, đạo đức xã hội thì gia đình phải quản lý con cái, quản lý thành viên trong gia đình. Bản thân mỗi cá nhân phải ý thức được rằng những thông tin mình đưa ra phải góp phần cho xã hội tốt hơn, nhưng anh lại đưa ra những thông tin làm tổn hại người khác thì đây là hành vi cần phải đấu tranh về mặt giáo dục, hình sự. Còn về mặt quản lý, chúng tôi cũng khuyến cáo tất cả các nhà mạng khi có phát hiện ra những nội dung tương tự thì phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật, để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như vừa qua.

Về việc kiểm soát những trang thông tin mà máy chủ đặt ở nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, những thông tin xuyên biên giới không chỉ là thách thức với riêng Việt Nam mà với cả thế giới. Ngay cả Mỹ cũng thường xuyên phát đi những thông tin cảnh báo tấn công vào mạng lưới thông tin của mình, ngay cả trang web các nhà lãnh đạo của Mỹ cũng bị tấn công.

Hiện chúng ta có 8 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ này. Các nhà mạng cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, bằng cả biện pháp kỹ thuật và tuyên truyền. Tuy nhiên, kể cả biện pháp kỹ thuật thì cũng không thể nào tuyệt đối vì hiện nay đã xuất hiện nhiều hacker với thủ đoạn tinh vi có thể vượt rào tường lửa.

Trước đề xuất cấm mạo danh trên facebook, Bộ trưởng Bộ  TT&TT cho rằng, bây giờ nói cấm mạo danh trên facebook thì việc đưa ra chế tài cấm là một thách thức. Ví dụ bạn lên facebook hoàn toàn có thể lấy tên nickname ở nhà đặt cho facebook của mình. Việc ra lệnh cấm không được dùng tên nickname để truy cập, đăng ký trên facebook hiện nay gần như là chưa thể.

Theo Hiến pháp, mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và cung cấp thông tin, nhưng nếu tự do này dẫn tới phương hại tới lợi ích người khác, tự do của mình ảnh hưởng tới tự do người khác thì phải bị xử lý. Đơn cử, anh có quyền tự do lập facebook, nhưng nếu dùng facebook cá nhân đăng thông tin bôi xấu người khác thì quyền tự do của anh lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do của người khác nên phải bị lên án, đấu tranh; chưa kể nếu nói xấu Đảng, Nhà nước thì cần phải nghiêm trị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.