Thế giới giao thông

Tuyến đường khiến nhà thầu quốc tế bỏ chạy

26/01/2015, 08:56

Con đường từ Kabul tới thung lũng xinh đẹp Bamiyan đã từng là biểu tượng tái thiết Afghanistan.

101

Bản đồ tuyến đường từ Kabul tới thung lũng Bamiyan

Kỳ 1: Tuyến đường kể câu chuyện lịch sử Afghanistan

Ba lần một tuần, khi thời tiết cho phép, chiếc máy bay Antonov cũ kỹ của hãng hàng không East Horizon Airlines vật vã lao lên bầu trời Kabul. Nếu may mắn, nó sẽ hạ cánh sau đấy 30 phút trên một đường băng bẩn thỉu ở thủ phủ Bamiyan. Chiếc máy bay do Nga sản xuất có tuổi thọ 50 năm đã gỉ sét bên ngoài và rách nát bên trong. Nếu chở đủ khách, nó sẽ không thể cất cánh được.

Đường đến với Taliban

Những người không muốn đến Bamiyan bằng máy bay có thể lái xe tới đó bắt đầu từ con đường phía Bắc Kabul, qua quận Ghorband. Rất nhiều đoạn trên con đường này đã bị hỏng, đầy những ổ gà và không được rải nhựa. Những năm gần đây người đi đường thỉnh thoảng lại bị tấn công bởi Taliban, những kẻ cướp và bắt cóc.

Con đường thứ ba có thể dẫn đến Bamiyan là đường bắt đầu từ Maidan Shahr, một thị trấn nhỏ nằm cách Thủ đô Kabul 30 km về phía Tây Nam. Dự án mới do phương Tây tài trợ vẫn đang trong quá trình xây dựng. Nếu theo kế hoạch này thì một con đường mới xây dựng sẽ cho phép xe hơi chạy với tốc độ 100 km/h, thương mại sẽ thông suốt, người ta chỉ mất ba tiếng đồng hồ để lái xe tới thung lũng Bamiyan.

Con đường này không có cái tên sang trọng và nếu nó có thể được xây dựng xong sẽ dài khoảng 136 km dẫn xuyên từ tỉnh Wardak - một vùng quê hẻo lánh đầy bụi vượt qua núi Koh-i-Baba cao hơn 3.700 m, từ đó con đường sẽ có hai làn xe sẽ dẫn tới Bamiyan - khu vực nghèo nhất Afghanistan. Mặc dù quy mô khiêm tốn như vậy nhưng dự án này kể được câu chuyện đầy đủ nhất về lịch sử cận đại của đất nước Afghanistan bao gồm những hi vọng, những khó khăn, những điều điên rồ và cả những thất bại cay đắng. Từ đó, người ta sẽ có cái nhìn tổng thể về quốc gia này những năm gần đây cùng nỗ lực to lớn để tái thiết đất nước.

Tháng 12/2014, sau 13 năm, lực lượng quốc tế đang hoạt động ở Afghanistan chính thức rút khỏi đất nước. Hiện nay, 26 tổ chức của LHQ vẫn tiếp tục hoạt động ở Afghanistan dưới sự hậu thuẫn tài chính lên tới hàng tỷ USD từ các nước giàu và các tổ chức tư nhân. Trong đó, hàng triệu USD được đầu tư cho con đường dẫn đến Bamiyan.

102

Hàng triệu USD được đầu tư cho con đường dẫn đến Bamiyan

Nguy hiểm rình rập

Maidan Shahr, điểm khởi đầu của con đường, giống như một ngôi làng sưu tập những ngôi nhà xấu xí nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng. Con đường quốc lộ từ phía Nam tới Kandahar nối Kabul với phía Nam cũng bắt đầu từ Maidan Shahr.

Mohammed Fahimi, đại diện hội đồng nhân dân tỉnh Wardak cũng sống trong ngôi làng này vô cùng vui vẻ khi nói chuyện với phóng viên qua điện thoại nhưng khuyên họ đừng viết gì xấu về nơi ông sống: “Điều đó nguy hiểm lắm đấy”. Khi gặp trực tiếp ở Kabul, Fahimi giải thích vì sao con đường vẫn chưa được xây dựng xong dù đã khởi công cách đây vài năm: “Mới chỉ có đoạn đầu tiên được hoàn thiện, dài khoảng 50-60 km sau đấy thì không thể tiếp tục triển khai được nữa, con đường dừng mãi ở đó và bị bao phủ bởi bụi bặm”.

Vào năm 2002, Bộ trưởng Ngoại giao Italia đã từng hỏi Chính phủ mới thành lập ở Afghanistan rằng, làm sao để có thể hỗ trợ đất nước này. Khi ấy, vết thương của vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 vẫn còn rỉ máu, quân đội Mỹ tiến vào Kabul và cả thế giới muốn giúp đỡ Afghanistan xây dựng trường học, tái thiết bệnh viện, đào giếng, hỗ trợ phụ nữ và thiết lập nền dân chủ. Tất cả những dự án đó đều được cho là vũ khí trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Nhưng Chính phủ Afghanistan đã trả lời người Italia rằng họ muốn có một con đường kết nối giữa Kabul và Bamiyan - nối liền Thủ đô và vùng đất xa xôi nhất của đất nước. Đó cũng là biểu tượng của sự tái thống nhất. Người Hazara sống ở tỉnh Bamiyan là dân tộc phải chịu đựng nhiều đau khổ nhất dưới sự thống trị của Taliban. Người Italia đã đồng ý.

Khi đó, toàn bộ Afghanistan chỉ mới có khoảng 100 km đường được rải nhựa. Bamiyan là vùng làng bản xa xôi nhiều cách trở, là thế giới của đạo Hồi. Năm 2001, khi Taliban chiếm được vùng này, chúng đã xóa bỏ tất cả tôn giáo không phải đạo Hồi, một trong những hành động khủng khiếp nhất là bắn sập hai pho tượng Phật lớn nhất thế giới ở Bamiyan.

Minh Hương (Theo Spiegel)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.