Thế giới giao thông

Tuyến đường sắt Kuala Lumpur - Singapore: Cuộc đua công nghệ và tài chính

04/07/2015, 14:00

Dự án tuyến đường sắt siêu tốc (HSR) nối Kuala Lumpur và Singapore trị giá 14,9 tỷ USD.

Tuyến đường sắt siêu tốc nối thủ đô Kuala Lumpur v
Tuyến đường sắt siêu tốc nối thủ đô Kuala Lumpur và Singapore chỉ trong 90 phút.

Dự án tuyến đường sắt siêu tốc (HSR) nối Kuala Lumpur và Singapore trị giá 14,9 tỷ USD dường như đang được cả hai vị Thủ tướng Najib Razak và Lý Hiển Long ủng hộ mạnh mẽ. Trên thực tế, cả hai vị này đều bật đèn xanh cho việc triển khai dự án HSR đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á từ hai năm trước.

Kuala Lumpur - Singapore cách nhau 90 phút hành trình?

Nếu được triển khai và đi vào hoạt động, tuyến đường sắt dài 300 km này sẽ giảm thời gian đi lại giữa thủ đô của hai đất nước này xuống mức đáng kinh ngạc, 90 phút.  Dự án này dự kiến sẽ mất ít nhất 7 năm. Theo đó, quy trình đấu thầu mất khoảng một năm, thiết kế một năm và thêm 5 năm xây dựng. Các chuyên gia đều cho rằng, tuyến đường này sẽ được xây ngầm ở Singapore và xây trên cao ở Malaysia.

Gói thầu này chắc chắn sẽ mang tính chính trị và là cuộc ganh đua mạnh mẽ giữa các tập đoàn của Nhật Bản, Trung Quốc. Về phía Nhật Bản, họ không giấu tham vọng lần đầu tiên xuất khẩu hệ thống tàu Shinkansen đồng bộ, hoặc mạng lưới đường sắt siêu tốc sau thành công có được ở dự án HSR tại Đài Loan. Điểm mạnh của hệ thống đường sắt Nhật Bản là sự an toàn, điều này được chứng minh rõ nhất qua báo cáo ghi nhận không có bất cứ vụ tai nạn đường sắt nào nghiêm trọng xảy ra ở đất nước mặt trời mọc trong vòng hơn 50 năm qua. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nhấn mạnh sự tiện lợi của HSR thông qua tần suất hoạt động liên tục và đúng giờ gần như tuyệt đối.

“Nếu Malaysia làm tốt dự án này, cả Singapore và Malaysia sẽ trở nên thịnh vượng hơn”.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Theo thông tin từ những người tham gia dự án này, Nhật Bản không chấp nhận những nhượng bộ về mặt tài chính như các tập đoàn Trung Quốc. Các tập đoàn Trung Quốc không ngần ngại bỏ giá chỉ bằng một nửa so với Nhật Bản và cam kết tiến độ xây dựng nhanh hơn nhiều.  

Đối với dự án HSR nối Malaysia và Singapore, Trung Quốc nhìn nhận nó và những hoạt động khác nữa từ một góc độ rộng lớn hơn mang tính chính trị. Năm 2013, công ty đường sắt lớn nhất Trung Quốc là tập đoàn sản xuất thiết bị đường sắt Nam Trung Hoa bắt đầu xây dựng một trung tâm sản xuất và bảo dưỡng dành cho thị trường châu Á tại Batu Gajah, Malaysia. Tuyến HSR nối Kuala Lumpur - Singapore thực ra là một phần trong kế hoạch chi tiết phát triển tuyến đường sắt lớn hơn bắt đầu từ Côn Minh, Trung Quốc tới Singapore qua Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Cách nào giảm gánh nặng tài chính cho dự án đường sắt siêu tốc?

Chi phí cho những dự án HSR luôn là thách thức lớn nhất với các quốc gia có ý định triển khai hệ thống này. Hiện nay, có rất ít thông tin chi tiết về nguồn tài chính hỗ trợ dự án HSR Kuala Lumpur - Singapore. tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng sẽ có hình thức hợp tác Nhà nước và tư nhân để triển khai dự án nhằm giảm gánh nặng tài chính cho chính phủ, đồng thời thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động phát triển công trình công cộng.  

Ví dụ dễ thấy nhất là tuyến HSR tại Đài Loan. Đây là một trong những dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao lớn nhất có sự tham gia của khối kinh tế tư nhân. Công ty vận hành tuyến gần như đã phá sản, mặc dù liên tục thu được lợi nhuận.

Trước khi khai trương tuyến này vào năm 2007, các nhà chức trách địa phương ước tính, ngay khi đi vào hoạt động, mỗi ngày sẽ có khoảng 300 nghìn khách đi lại trên tuyến và nhờ thế tổng thu nhập quốc nội sẽ tăng 6% mỗi năm. Các thỏa thuận về tài chính cũng được chuẩn bị dựa trên những tính toán đó, với tỉ lệ lãi suất cao hơn lãi suất trên thị trường. Tuy nhiên, con số thực tế là chỉ  có 42 nghìn hành khách và tới năm 2015 cũng chỉ dừng lại ở mức 130 nghìn khách sử dụng tuyến đường sắt này mỗi ngày.

Tổng dân số của hai thành phố Kuala Lumpur và Singapore vào khoảng 7,1 triệu người, tương đương với 40% số dân sống tại các thành phố dọc tuyến HSR tại Đài Loan. Ủy ban Quốc gia Giao thông công cộng và Quỹ đất Malaysia ước tính tuyến đường sắt của họ sẽ có khoảng 66 nghìn hành khách/ngày. Con số này có thể hợp lý nhưng vẫn phải được xem xét một cách thận trọng.

Phần lớn các ga trung chuyển trên tuyến Kuala Lumpur - Singapore trong thiết kế dự án đều được đặt bên ngoài trung tâm thành phố. Không những thế, ngay cả ga chính ở Kuala Lumpur lại không phải đặt ở KL Sentral và tại Singapore, ga cuối nằm ở khu Đông Jurong chứ không phải trung tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.