Thế giới

Ukraine, vì đâu nên nỗi (Kỳ 3): Lối thoát nào?

05/03/2014, 16:50

Đối với chính phủ hiện nay ở Ukraine, họ phải tự mình tách khỏi những phần tử cực đoan, thay vì các động thái có thể khiến mọi thứ vượt qua ranh giới của "vạch đỏ"...

Vào ngày 1/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được sự chấp thuận của Thượng viện Quốc hội Nga cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Ukraine. Giải thích với Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga không thể đứng ngoài khi hiện hữu mối đe dọa cho người dân nói tiếng Nga…

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Tổng thống Putin sẽ lập tức tận dụng quyền hạn mới, mặc dù trên thực tế các binh sĩ Nga đã làm chủ Crime. Cũng không hẳn Nga muốn đưa Crime trở lại với nước Nga, như trường hợp với Nam Osetia. Quan trọng nhất - quyết định của Nga có thể và cần thiết làm nguội những cái đầu nóng không chỉ ở Kiev, mà cả Washington và Brussels. Kremlin muốn cảnh báo những nhà lãnh đạo Kiev hiện nay là, họ có thể đi theo Mỹ hay châu Âu nhưng không được quay lại chống Nga, mọi hành động chống lại Moscow đều phải trả giá. Ngoài ra cũng nhắc nhở Mỹ và EU phải xử lý tình huống cẩn thận, nếu chà đạp lên lợi, ích của Nga thì sẽ phải trả giá, Nga đủ sức để phản ứng lại điều đó.

Giới trẻ Ukraine kêu gọi sự giúp đỡ
Giới trẻ Ukraine kêu gọi sự giúp đỡ.

Thượng viện đã trao quyền nhưng hiện nay không cần thiết phải đưa quân vào Ukraine

Trả lời Kênh truyền hình Rossiya-24, Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga (Hạ viện) Sergei Naryshkin tuyên bố không cần thiết phải điều các lực lượng vũ trang của Nga vào Ukraine. Theo ông Naryshkin: “Quyết định của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) là trao quyền sử dụng các lực lượng vũ trang trong trường hợp cần thiết, song hiện nay, việc này là không cần thiết”.

Ông Sergei Naryshkin cũng chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "thiển cận" khi đưa ra tuyên bố về sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo ông, những tuyên bố của ông Kerry chỉ làm leo thang căng thẳng chứ không đem lại giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Vậy lối thoát ở đâu? Theo quan điểm của Nga, đối với chính phủ hiện nay ở Ukraine, là “chính phủ của những kẻ nổi dậy” không được Nga công nhận, phải “đưa vấn đề vào luồng chính trị trong các khuôn khổ hiến pháp”, quay về với thỏa thuận ký ngày 21/2 và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, chấm dứt mưu toan nói chuyện bằng vũ lực với các đối thủ kể cả sắc tộc lẫn chính trị.

Họ phải tự mình tách khỏi những phần tử cực đoan, thay vì cho phép họ cưỡi cổ trên lãnh thổ Ukraine, vì đó là những động thái có thể dẫn đến các diễn biến rất nghiêm trọng mà Nga đang cố gắng ngăn chặn.

Đối với phương Tây, theo nhiều nhà quan sát, đã tới lúc họ nên chấm dứt sự “xâm lược gián tiếp” đối với Nga, như cách diễn đạt của nhiều nhà quan sát. Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết với EU, những cơ chế bạo lực đã được vận dụng để lật đổ chính quyền hợp pháp, để bứt Ukraine khỏi Nga. Nga đã nhiều lần đề nghị phương Tây ngừng làm như vậy, tiến hành thương lượng. Câu trả lời của phương Tây là tiếp tục gây hấn. cho đến khi tồn tại một vạch đỏ giới hạn như hiện nay, và Nga sẽ không cho phép bất cứ ai vượt qua giới hạn đó.

Tình hình đang căng hơn dây đàn. Nhưng đỉnh điểm của nó có thể là các bên liên quan – Nga, Mỹ, EU, Ukraine sẽ ngồi vào bàn thương lượng và đàm phán lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Trong đó, các cam kết và thỏa thuận được thông qua phải đảm bảo lợi ích của Nga và các dân tộc Nga ở Ukraine.

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.