Khám phá

Ứng dụng công nghệ bảo tồn Di sản hát Xoan

28/09/2017, 08:05

Số hóa để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là một trong những phương pháp thiết thực để bảo tồn...

22

Website riêng về di sản hát Xoan Phú Thọ

Số hóa để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là một trong những phương pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời đại công nghệ. Thế nhưng, công tác này vẫn chưa thực sự được nhân rộng vì còn nhiều khó khăn.

Số hóa bảo tồn di sản

Dự án số hóa, tư liệu hóa Di sản hát Xoan nằm trong kế hoạch hành động bảo tồn Di sản hát Xoan của UBND tỉnh Phú Thọ, giao cho Bảo tàng Hùng Vương thực hiện từ năm 2014. Sau 3 năm, dự án vừa cơ bản hoàn thành và thu thập, sưu tập tương đối đầy đủ các tư liệu, hiện vật về di sản này. Theo đó, các tư liệu hát Xoan được đưa lên mạng tại địa chỉ http://baotanghungvuong.vn/hatxoan. Hiện tại, dự án sưu tầm được 5 bản hát Xoan chữ Hán, chữ Nôm và 30 băng đĩa ghi hình, băng ghi âm, ghi hình điền dã trong thời gian lập hồ sơ hát Xoan. Ngoài ra, 200 ảnh tư liệu hát Xoan tại Hà Nội và những năm 70 của thế kỷ XX cùng nhiều tư liệu quan trọng khác cũng đã được cập nhật. Được biết, các tư liệu, hiện vật được sưu tầm tại gia đình các nghệ nhân ở 4 phường Xoan gốc thuộc xã Kim Đức, Phượng Lâu của TP Việt Trì, 23 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Ngoài ra, những tư liệu từ các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như nhạc sĩ: Đặng Hoành Loan, Lương Nguyên, Cao Khắc Thùy, Tú Ngọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện và tại các cơ quan báo chí.

PGS. TS. Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cho hay, việc bảo tồn bằng số hóa trên thế giới đã làm từ lâu. Việt Nam là nước đi sau nên dù khó khăn cũng phải nỗ lực để bắt kịp. Vì di sản văn hóa phi vật thể tồn tại qua trí nhớ, truyền khẩu… nên không bảo tồn sẽ dần mất mát, mai một. Đặc thù của di sản này là sẽ liên tục bổ sung, nên nếu có cơ sở dữ liệu thì sau này sẽ có cơ sở để điều chỉnh lại những sự lệch lạc, biến đổi. “Chúng ta không giỏi về khoa học công nghệ, nhưng hướng đi này là cần thiết. Cần phải nhìn về tương lai chứ không thể nhìn những thứ trước mắt. Khó khăn cũng phải thực hiện nếu không muốn bị thế giới bỏ xa”, ông chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương, việc sưu tầm tư liệu rồi số hóa nhằm phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đó còn là kênh tuyên truyền, quảng bá cho di sản văn hóa. Trong thời gian tới, bảo tàng vẫn tiếp tục công tác sưu tầm, hệ thống hóa để có đầy đủ các nguồn tài liệu vì các nguồn tài liệu liên quan đến hát Xoan vẫn tản mát, phân tán ở các kho lưu trữ, thư viện, tủ sách tư nhân trong và ngoài nước.

Thực tế, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn di sản không phải là điều mới mẻ. Ở Việt Nam, nhiều đơn vị đã manh nha thực hiện. Tháng 7 vừa qua, Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa bắt tay thực hiện chương trình nghiên cứu và ứng dụng dài hạn mang tên “Ứng dụng số hóa để bảo tồn di sản văn hóa, nghệ thuật”. Đối tượng số hóa của chương trình gồm tất cả các di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam cả vật thể và phi vật thể. Chương trình ưu tiên những di sản đang có nguy cơ mai một cao, nhằm nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại khi điều kiện cho phép.

Khó nhưng vẫn phải đi

Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu đều nhìn nhận vấn đề về bản quyền trí tuệ là một rào cản đối với phương pháp bảo tồn này, vì khi đã được số hóa, các di sản văn hóa sẽ được sử dụng rộng rãi. Đây cũng là khó khăn mà những người làm công tác sưu tầm, tư liệu và số hóa di sản văn hóa thường xuyên phải đối mặt.   

Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cũng tâm sự, công tác thu thập tư liệu tốn nhiều thời gian, công sức và nguồn nhân lực. Các tư liệu về di sản hát Xoan nằm rải rác ở các trung tâm lưu trữ, nhà xuất bản, thư viện, viện nghiên cứu, báo chí Trung ương, địa phương… Bên cạnh những đơn vị hỗ trợ nhiệt tình, vẫn có nhiều đơn vị yêu cầu về kinh phí mua tư liệu khá cao. Trong khi đó, nguồn kinh phí thực hiện dự án do tỉnh Phú Thọ cấp khá hạn hẹp. Để có thể thực hiện, bảo tàng phải tự bỏ thêm kinh phí. “Nhưng với những nơi yêu cầu kinh phí bản quyền cao, chúng tôi chấp nhận không mua nữa”, ông Tuấn ngậm ngùi.

Không chỉ vậy, điều kiện công nghệ, nhân lực có chuyên môn cao về kỹ thuật và công nghệ cũng nhiều khó khăn. Ông Tuấn cho biết, Bảo tàng Hùng Vương vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công. Các hiện vật và tư liệu sưu tầm được đưa vào bộ phận kho kiểm kê - bảo quản để phân loại, xử lý tư liệu, hiện vật. Các tư liệu sau khi đã biên soạn nội dung được nhập vào phần mềm quản lý tra cứu gồm địa điểm, không gian văn hóa, nghệ thuật trình diễn, bảo tồn và phát huy, nghệ nhân, người truyền dạy, lịch sử và phong tục, bài bản hát Xoan, ảnh tư liệu, video,…

“Hiện nay, phương tiện của chúng tôi cũng rất kém. Chỉ đơn giản đưa tư liệu lên máy tính, không biết hệ thống của mình có đảm bảo không. Nếu bị virus tấn công cũng có thể mất mát dữ liệu. Cũng không ai dạy chúng tôi cách phải làm thế nào để bảo quản. Chúng tôi chỉ tự mày mò rồi thực hiện, cũng không thấy ai nhận xét hay đánh giá gì”, ông nói và cho hay, dù có khó khăn thế nào thì việc cảm thấy mình góp phần bảo tồn di sản văn hóa cũng khiến mọi người cảm thấy vui vẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.