Quản lý

Ưu tiên dự án giao thông có tính kết nối vùng

16/01/2017, 06:56

Ngày 14/1, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác Bộ GTVT đã làm việc tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.

15

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường dự án kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Ngày 14/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cùng đoàn công tác Bộ GTVT đã kiểm tra hiện trường và làm việc tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT đều ủng hộ những dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng.

Tạo thành mạng lưới giao thông khép kín

Chiều 14/1, sau khi kiểm tra hiện trường dự án đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoàn công tác Bộ GTVT đã làm việc với tỉnh Ninh Bình. Buổi làm việc tập trung giải đáp, tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan đến GTVT trên địa bàn, trong đó nổi bật là dự án đường kết nối QL10, QL37B, QL1, đường Hồ Chí Minh và dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1. Đây cùng là hai dự án hình thành những tuyến kết nối giao thông giữa những tuyến đường trọng điểm, giúp hình thành mạng lưới giao thông khép kín cho khu vực.

Về dự án đường nối QL10, QL37B, QL1 với đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ phó Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, đường Hồ Chí Minh là tuyến đường giao thông huyết mạch chạy song song và ở phía Tây QL1, có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tải QL1. Tuy nhiên, khu vực các tỉnh phía Đông Đồng bằng Bắc bộ như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam chưa có đường kết nối với đường Hồ Chí Minh theo trục ngang từ đường Hồ Chí Minh ra vùng ven biển. Vì vậy, dự án đường nối này sẽ giúp kết nối các tuyến quốc lộ ở phía Đông, đường bộ ven biển với đường Hồ Chí Minh phía Tây. Tổng chiều dài tuyến đường kết nối khoảng 60km, đi qua các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, trong đó đoạn đi qua Ninh Bình dài nhất (27km).

"Giai đoạn hiện nay, các nguồn vốn đều hạn hẹp, nên quan điểm của Quốc hội, Chính phủ là ưu tiên các dự án giao thông trọng điểm có liên kết vùng và phát triển kinh tế. Mong các địa phương chia sẻ, đồng hành cùng Bộ GTVT chọn lọc đầu tư, hết sức tiết kiệm trong việc triển khai các dự án giao thông”.

Bộ trưởng Bộ GTVT
Trương Quang Nghĩa

Sau khi lắng nghe ý kiến địa phương, doanh nghiệp muốn tham gia dự án và các cơ quan tham mưu của Bộ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị tỉnh Ninh Bình phối hợp với các tỉnh có văn bản chính thức gửi Bộ để xem xét, quyết định. “Quan điểm của Bộ là ủng hộ những dự án quan trọng, có tác động lớn đến phát triển KT-XH và có tính kết nối vùng. Với dự án này, nếu Ninh Bình là chủ đầu tư và ứng vốn để làm thì rất là thuận”, Bộ trưởng nói.

Với dự án kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2, hiện tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, doanh nghiệp Xuân Trường đang thi công, hiện Ninh Bình đang đề xuất nâng dự án lên đủ tiêu chuẩn đường cao tốc để quá trình thi công đồng bộ, tránh lãng phí. Về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP của Bộ GTVT cho biết, dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa đang được Bộ GTVT hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong quá trình triển khai đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất nêu trên của tỉnh Ninh Bình.

Bộ trưởng cũng đồng tình với đề xuất nâng đoạn tuyến kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 lên đủ tiêu chuẩn đường cao tốc. Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Vụ Kế hoạch - Đầu tư vào đánh giá, kiểm tra lại tuyến. Dự án này, tỉnh đang làm chủ đầu tư, nên đề nghị tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nối cao tốc với cao tốc

Trước đó, sáng 14/12/2016, đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi làm việc tại Hà Nam. Tại buổi làm việc, Bộ GTVT đồng thuận với Hà Nam trong việc tìm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhìn nhận, trước thực trạng nguồn vốn ngân sách khó khăn, vốn trái phiếu còn hạn hẹp, cần lựa chọn đầu tư dự án thực sự hiệu quả như dự án này.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định, dự án kết nối hai đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ góp phần phát triển KT-XH địa phương, mà còn có tác dụng kết nối, phát triển kinh tế vùng. Hiện, dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn của địa phương. Bộ GTVT đã báo báo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020  cho Bộ GTVT ngoài nguồn vốn đã thông báo hoặc nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để hoàn trả nguồn vốn đã ứng của các địa phương và tiếp tục đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Bộ GTVT sẽ sát cánh cùng địa phương tháo gỡ mọi vướng mắc, hỗ trợ để đẩy sớm dự án.

Liên quan đến công tác đảm bảo ATGT, Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, Hà Nam và Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác đảm bảo ATGT, chú trọng công tác quản lý, xử lý xe hết niên hạn, kiểm soát tải trọng xe. Xem xét việc quy định các huyện phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh nếu các mỏ, bến bãi trên địa bàn tiếp tục dung túng xe quá tải. Đồng thời, siết chặt quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, phạt nguội từ “gốc” là chủ xe thay vì chỉ phạt tài xế.

Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần khai thác hết các lợi thế về mọi loại hình giao thông từ đường bộ, đường thủy, đường sắt đến hàng không. “Cần phát triển hài hòa các loại hình vận tải để có sự hỗ trợ, giảm tải cho nhau”, Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.