Thời sự

Ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng giao thông để tạo đột phá

02/11/2016, 07:26

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc dành tỷ trọng vốn đầu tư lớn cho giao thông nhằm thực hiện đột phá...

5

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình

Thu hút tối đa các nguồn lực xã hội

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ trình Quốc hội vào chiều 20/10 nêu rõ mục tiêu đầu tư giai đoạn 2016-2020 là: Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020).

Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng, vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến bố trí cho ngành GTVT khá cao so với các ngành khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng GTVT là ngành đi trước mở đường, do đó đầu tư cho hạ tầng GTVT sẽ góp phần phát triển các lĩnh vực khác.

Giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề khó vì nhu cầu lớn, các nhiệm vụ, mục tiêu nhiều và đều nhằm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, T.Ư và Chính phủ, phù hợp với kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, trong khi khả năng về ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động nguồn lực khó khăn. Theo Bộ trưởng, trong phương án phân bổ kế hoạch trái phiếu Chính phủ dành tỉ trọng lớn nhất cho ngành GTVT là nhằm thực hiện Nghị quyết 13 của Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020.   

Ưu tiên nguồn lực xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Đánh giá thời gian qua, nhiều dự án giao thông đã đem lại hiệu quả phát triển kinh tế của cả nước và nhiều địa phương, làm thay đổi diện mạo đất nước, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần nêu cụ thể ưu tiên bố trí vốn để đầu tư làm đường cao tốc Bắc - Nam và nâng cao năng lực, đổi mới một cách căn cơ ngành Đường sắt nhằm kết hợp hài hòa, phát huy tối đa hiệu quả của các loại hình, phương thức vận tải.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn đối với các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm có những dự án nào là dự án trọng điểm quốc gia để Quốc hội xem xét quyết định cho đúng thẩm quyền. “Đối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam, có thể nói đây là dự án lớn, tôi cho rằng cần thiết. Chính phủ đã có hướng “mồi” 70 nghìn tỷ đồng để thu hút được khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tức là “mồi” một nửa, thu hút từ các nguồn lực khác gấp đôi. Thực tiễn cho thấy giao thông đường bộ, nhất là các tuyến đường huyết mạch quốc gia, trục lộ chính khả năng thu hút BOT rất khả thi và có tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài”, ĐB nêu ý kiến.

Kết luận lại vấn đề, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến đề nghị định hướng đầu tư công giai đoạn tới nên chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường nhất là xử lý sự cố môi trường ở bốn tỉnh miền Trung, chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi… Đặc biệt, ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao... Phó chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để tăng cường kỷ luật tài chính, nhất là trong đầu tư công. Bên cạnh đó, cần rà soát lại danh mục để bảo đảm nguồn lực hạn chế được sử dụng một cách tối ưu nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.