Bên lề

V-League và câu chuyện mua tình yêu khán giả

18/04/2017, 14:40

Cuối tuần trước, sân Thanh Hóa khá nhộn nhịp khi có khoảng 10 nghìn CĐV tới sân cổ vũ cho thày trò HLV Petrovic...

cdv-thanh-hoa

CĐV FLC Thanh Hóa cổ vũ cho đội nhà. Ảnh VTV

Cuối tuần trước, sân Thanh Hóa khá nhộn nhịp khi có khoảng 10 nghìn CĐV tới sân cổ vũ cho thày trò HLV Petrovic trong cuộc tiếp đón Sài Gòn FC. Tuy nhiên, để tạo ra bầu không khí như vậy, BLĐ FLC Thanh Hóa đã phải chơi chiêu. Cụ thể, khán giả khi vào sân cổ vũ có cơ hội bốc thăm trúng nhiều tấm vé du lịch ở Sầm Sơn.

Câu chuyện của FLC Thanh Hóa khiến người viết nhớ tới cách làm của CLB TP.HCM. Tân binh V-League tỏ ra rất chịu chơi khi các trận đấu trên sân nhà, khán giả đều có cơ hội sở hữu những món quà giá trị. Cách làm của FLC Thanh Hóa hay TP.HCM hoàn toàn nằm trong điều lệ giải, không vi phạm bất kỳ quy định nào, nhưng nó đồng thời cho thấy, thực trạng chua xót của bóng đá Việt Nam, bóng đá không khán giả.

Thông thường, người hâm mộ đến sân chia làm nhiều đối tượng. Có thể vì tình yêu với bóng đá, với đội bóng con cưng, có thể theo tâm lý đám đông và cũng có thể vì quyền lợi (như trận FLC Thanh Hóa - Sài Gòn). Trong số này, chỉ tình yêu mới đem đến những CĐV trung thành và đó là bài toán nan giải với những nhà làm bóng đá Việt Nam. Hơn 10 năm tiến lên chuyên nghiệp, nhắc đến khán giả là nhắc tới một nốt trầm ở V-League.

Ngoài một số sân như Cẩm Phả (T.Quảng Ninh), Lạch Tray (Hải Phòng) hay Pleiku (HAGL) vẫn thu hút một lượng lớn người hâm mộ mỗi tuần, đa phần các sân cỏ V-League đều lâm vào cảnh đìu hiu như chợ chiều, kiếm được nghìn người vào sân đã là hạnh phúc, dù một vài CLB thường xuyên mở cửa miễn phí. Ngay cả thánh địa một thời như sân Vinh (SLNA) giờ chỉ mong lấp đầy 1/2 khán đài mà cũng khó.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến người hâm mộ chẳng mấy mặn mà với bóng đá nước nhà, cụ thể hơn là V-League? Phải chăng người hâm mộ đã mất niềm tin? Cũng đúng, bởi những mùa giải gần đây mùa nào chả nổ ra những xì xèo cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Từ việc các trọng tài mắc sai sót, tới việc các đội bóng nhìn nhau đá và cả vấn nạn bạo lực. Ở thượng tầng, những người có trách nhiệm lao vào những cuộc đấu đá, chì chiết, thóa mạ nhau. Tất cả tạo nên một bức tranh hỗn loạn và lẽ thường chẳng ai muốn chứng kiến sự hỗn loạn đó.

Còn nhớ, khi bóng đá Việt Nam còn đang trong thời kỳ bao cấp, những trận cầu vẫn luôn đầy ắp khán giả. Ấy là bởi bóng đá khi đó trong sáng, vô tư, không vụ lợi nên lấy được tình yêu của người hâm mộ. Xã hội phát triển, bóng đá cũng phải phát triển. Có điều, phát triển như bóng đá Việt Nam thì quả thật đáng ngại. Chẳng thế mà mấy lão tướng, danh thủ một thời đều ước bao giờ được như ngày xưa.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.