Làm báo cùng Giao thông

Văn hóa thời @

20/08/2016, 10:10

Tôi đã hoảng sợ khi thấy cả nghìn lượt chia sẻ bài viết tài xế người Việt đốt chết 30 khách Trung Quốc...

6

Văn hóa thời @ - Ảnh minh họa (VNN)

Nhưng sự nông cạn, hời hợt khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin này không đáng sợ bằng hàng nghìn bình luận đi kèm. “Bọn khốn kiếp, đốt chết chúng là đáng, RIP anh”, “Báo đăng: Những hành khách người Trung Quốc dùng lời lẽ xúc phạm, bẹo má tài xế khiến anh này không giữ được bình tĩnh đã phóng hỏa đốt cả xe - khổ thân người lái xe, bọn chúng đáng chết...”.

Không biết từ khi nào, người ta cổ vũ, khuyến khích những hành động hung bạo và cả tung tẩy “chém gió”, đùa cợt trên những tin thảm án - vâng, ví dụ như vụ thảm án ở Yên Bái chấn động cả nước vừa xảy ra. Bất biết nguyên nhân, chỉ sau vài phút, những tài khoản cả ảo và thật trên facebook dùng những so sánh hài hước, thậm chí là bỡn cợt để ví von, miêu tả một sự việc đau lòng.

Không khó nhận thấy gần đây những thông tin kỳ thị, chửi bới khách Trung Quốc có hành vi vô văn hóa luôn nhận được sự hưởng ứng cuồng nhiệt của cộng đồng mạng. Những ai đi ngược lại trào lưu này thường nhận được các chỉ trích nặng nề, bị gán mác thân Tàu.

Phản ứng với cái xấu là điều tốt nhưng tiếc thay trong cơn cuồng nộ hô hào tẩy chay người Tàu, chúng ta đang tập trung đấu tranh “hướng ngoại” chứ không có mấy ai chịu “hướng nội” nhìn lại chính cộng đồng mà mình đang sống. Chúng ta không có video ghi lại cảnh tranh nhau đồ ăn buffet tệ hại như khách Tàu, thì kia, vẫn còn đó hình ảnh các bạn trẻ hái đến trơ trụi những cành hoa anh đào trong lễ hội, những người cả già, cả trẻ xô đẩy nhau để lấy lộc về trong lễ Vu lan, hứng tiền được ném ra trong lễ cô hồn bằng lồng gà...

Ta bỉ bai khách Tàu đi đến đâu là ồn ã, om sòm, mất trật tự, nhưng chúng ta cũng oang oang tâm sự trên máy bay, điện thoại trong rạp hát. Dường như rất ít người trong chúng ta được giáo dục rằng có những không gian công cộng cần tôn trọng. Và mới đây thôi, một khách VIP ngồi ghế thương gia đã thẳng tay tát một nữ tiếp viên chỉ vì không tìm thấy điện thoại.

Bạn tôi, một doanh nhân khá nổi tiếng chia sẻ: “Thay vì chỉ chửi bới, hô hào tẩy chay khách du lịch Trung Quốc, người Việt nên sửa mình, cố làm được nhiều việc tử tế để đóng góp phát triển đất nước. Hùa nhau chửi bới chỉ làm mình mụ đầu đi thôi chứ không thông minh, giỏi giang lên được”.

Vâng, tôi đồng ý với anh, việc hùa nhau công kích, chửi bới, xúc phạm cá nhân trên mạng về bất cứ vấn đề gì mà không chịu suy nghĩ, không ngẫm để răn mình thì chỉ có thể “nổi tiếng” chứ không thể làm mình tốt lên được.

Qua đó, cũng nhắc các anh chị mắc bệnh “auto chửi” không để tài khoản tên thật hoặc tốt nhất không kết bạn với con mình trên facebook. Bởi lẽ, sự vô ý thức, sự phóng túng của ngôn ngữ trên môi trường tự do của cộng đồng mạng, tưởng vô hại nhưng có thể lại tác động ngay đến văn hóa của chính con cái mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.