Khám phá

Vạn người dự lễ hội tôn vinh người khai sinh ra đất Hải Phòng

24/03/2018, 07:52

Hàng loạt hoạt động được tổ chức nhằm tôn vinh nữ tướng Lê Chân – người khai sinh ra mảnh đất Hải Phòng.

1

Lễ hội nữ tướng Lê Chân

Tối 23/3, tại quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2018 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và thành phố.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được quận Lê Chân khôi phục lại từ năm 2011 và duy trì hằng năm từ đó đến nay. Từ năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có quyết định công nhận Lễ hội Nữ tướng Lê Chân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Năm 2018 là năm đầu tiên thành phố Hải Phòng quyết định nâng tầm Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân lên quy mô cấp thành phố với các hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Lễ hội năm nay với điểm nhấn là lễ rước được đánh giá là lễ rước hội trong nội đô lớn nhất cả nước khi huy động tới hơn 1.000 người thực hiện nghi lễ rước truyền thống. 2 đoàn rước mỗi đoàn hơn 500 người xuất phát từ Đền Nghè và Đình An Biên với cờ hội, trống chiêng, dàn bát âm, đội sanh tiền, dàn bát biểu, dàn chấp kích, kiệu hoa, lọng che, kiệu võng, đoàn tế, cống phẩm… Các đoàn rước này đi qua nhiều tuyến phố, tập trung tại Quảng trường tượng đài nữ tướng Lê Chân để hành lễ.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2018 được tổ chức trong 3 ngày 23, 24 và 25- 3 với nhiều hoạt động phong phú tại Đền Nghè, Đình An Biên, Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Phần lễ gồm: lễ cáo yết, lễ dâng hương, lễ rước, lễ tạ. Phần hội là các hoạt động chợ quê, lân sư, trống hội, hát văn, ca cảnh chèo cùng với nhiều hoạt động hưởng ứng như dạy học tích hợp chuyên đề “Trang An Biên xưa và nay”, ngày hội phụ nữ “năng động – đảm đang”, ngày hội thơ Đường Việt Nam, biểu diễn võ dân tộc, giải chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, chương trình cờ người và các trò chơi dân gian…

Một số hình ảnh tại lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân 

5

Lễ hội thu hút rất đông cán bộ và nhân dân Hải Phòng

2

Diễu hành tái hiện hình ảnh nữ tướng Lê Chân

6

Lãnh đạo Bộ VHTT và thành phố Hải Phòng thắp hương tưởng nhớ nữ tướng Lê Chân

3

Hơn 1.000 người tham gia diễu hành tại lễ hội nữ tướng Lê Chân

Nữ tướng Lê Chân quê ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà sinh vào khoảng đầu công nguyên, trong một gia đình có truyền thống dạy học, làm thuốc. Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Hán đô hộ, Thái thú Tô Định thi hành chính sách bạo ngược, dân ta sống trong cảnh lầm than, khắp vùng đều biết đến.

Tô Định nghe tiếng bà, muốn cưỡng ép làm vợ, nhưng đã bị bà từ chối, Tô Định oán giận đã sát hại cha bà. Bà ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, thề không đội trời chung với Tô Định. 

Nữ tướng Lê Chân cùng người thân đến khai khẩn vùng đất mới, lập nên một làng ven sông gọi là làng Vẻn, là nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay. Tại đây bà thu nạp những người có hoàn cảnh giống như bà và tích cực chiêu mộ binh sĩ, chờ đợi thời cơ để trả thù nước, rửa hận nhà. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, nữ tướng Lê Chân trở thành tướng tiên phong dưới trướng và được phong là Thánh Chân Công chúa.

Tại Hải Phòng, để ghi nhớ công đức của vị nữ tướng tài ba, người khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay, bà được nhân dân Hải Phòng suy tôn là Thành hoàng làng, là Thánh mẫu, lập đình, đền, miếu mạo... thờ phụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.