Chất lượng sống

Vào đền chữa bệnh tâm thần!?

15/05/2018, 08:20

Đền Thó (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) từ lâu được tiếng chữa bệnh cho những người tâm thần...

16

Các bệnh nhân tâm thần tại đền Thó ngồi yên trong phòng xem tivi

Chữa bệnh nhờ lao động và đọc kinh?

Chiều mưa đầu tháng 5, chúng tôi tìm đến đền Thó nằm trong con ngõ nhỏ của xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngôi đền chừng 30m2 mới được tu sửa nằm sát khu nhà riêng của chủ đền cùng với diện tích sân rộng có cả ao vườn và khu nhà bếp. Phía sân sau có hẳn một dãy phòng ở, nơi những bệnh nhân tâm thần được chăm nuôi và chữa bệnh.

Trời mưa lớn, 19 con người cả nam nữ, già trẻ đều ngồi yên theo hàng lối để xem phim. Vừa ngồi trông bệnh nhân, ông Nguyễn Ngọc Tự (47 tuổi, thủ nhang của đền Thó) cho biết: “Giờ này mọi ngày, các bệnh nhân phải đi bê vác bao tải cát sau nhà để vận động cơ thể, chữa bệnh nhưng do mưa lớn, sấm sét nên cho ngồi xem tivi và nhẩm kinh. Chỉ cần nói và hướng dẫn là bệnh nhân nghe lời, chứ không cãi, dọa đánh, phá phách như những ngày đầu mới đến đây”.

"Nghiệp của nhà phải làm, nếu căng quá, phải cho bệnh nhân trọ bên ngoài. Đến giờ thì vào đọc kinh, lao động, giải trí, xong thì cho về nhà trọ. Gia đình tôi có 5 người con, đứa con trai 26 tuổi đang đi học chữ nho và được dự kiến truyền lại nghiệp”.

Ông Nguyễn Ngọc Tự

Theo ông Tự, đa phần bệnh nhân đến chữa bệnh tại đền Thó đều là những người bệnh nặng, có người mang bệnh vài chục năm, đã đi khắp nơi chữa trị, tốn kém cả trăm triệu đồng nhưng không khỏi. Khi tới đây, không cần thuốc thang, chỉ làm theo sự hướng dẫn của ông Tự, nhiều người đã khỏi bệnh và trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng. “Như cháu Minh ở huyện Gia Lâm, Hà Nội bị bệnh tâm thần 16 năm nay. Cách đây 3 tháng, đích thân bố mẹ và 3 bảo vệ đưa cháu đến trong tình trạng xích tay chân. Thời điểm bước vào đền, Minh rất hung hãn, chửi bới, tấn công người khác. Nhưng đến nay, những hành động hung bạo của Minh đã được chế ngự và nay đã ngoan ngoãn nghe lời”, ông Tự cho hay.

Bà Lưu Thanh Thao (SN 1960) mẹ bệnh nhân Phạm Chân Thành (SN 1983, Hải Phòng) cho biết: Năm lớp 12, Thành có biểu hiện tâm thần khi luôn xa lánh mọi người, gặp ai cũng trốn dưới gầm giường hoặc nhà vệ sinh. Về sau, bệnh dần trở nặng nên cháu không còn nhận thức được hành vi. Gia đình đưa Thành đi nhiều bệnh viện, tìm đến bao nhiêu thầy cúng đều không khỏi. “Tháng 3/2016, nghe tin đền Thó chuyên chữa bệnh tâm thần nên gia đình đến cậy nhờ. Giờ Thành đã bình tâm hơn, ngoan ngoãn và không quấy rối nữa”, bà Thao nói.

Được biết, mỗi bệnh nhân tới đền Thó chữa bệnh sẽ đóng 2,1 triệu đồng/tháng bao gồm cả chi phí ăn ở, điện nước… Việc nấu cơm, tắm rửa cho các con cũng được các phụ huynh phân chia theo ca, mỗi tháng 1 tuần. Bà Trần Thị Hằng, vợ ông Tự cho biết: “Tôi phụ chồng trong việc chợ búa, nấu cơm cho các bệnh nhân. Cứ theo lịch, buổi sáng bệnh nhân dậy vệ sinh cá nhân, phân chia công việc quét dọn rồi ăn sáng. Việc tập thể dục bằng cách vác bao tải cát đi quanh sân bắt đầu từ lúc 9h, sau đó ăn cơm trưa, đi ngủ. Đến 15h lại tiếp tục tập thể dục, 16h tắm rửa, ăn cơm. Buổi tối, các bệnh nhân được đọc kinh Phật theo sự hướng dẫn của thầy Tự”.

Ông Tự cho rằng, tập thể dục giúp bệnh nhân khơi dậy sự tập trung chú ý. Việc cho bệnh nhân tụng kinh hoặc nghe tụng kinh giúp người bệnh tĩnh tâm, cảm thấy tinh thần được giải phóng. Còn việc lao động sẽ giúp tác động tích cực lên vỏ não, tạo ra những xúc cảm, phản xạ có ý thức, không bị u mê hoang tưởng. Ông còn cho bệnh nhân thường xuyên hát karaoke để giúp bệnh nhân hòa đồng với mọi người.

Những người hàng xóm của ông Tự cho biết, có lúc trong nhà ông Tự gần 30 người bệnh tâm thần, nhưng không có tiếng gào thét, không có bệnh nhân nào ra ngoài gây chuyện ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng.

Khó quản lý

Ông Nguyễn Ngọc Tự cho biết, việc chăm sóc và chữa bệnh cho người bị tâm thần ở đền Thó là truyền thống của dòng họ ông đã có từ rất lâu đời. “Trước đây, đông bệnh nhân lắm, hàng trăm người kéo đến xin được tá túc chữa bệnh. Có thời điểm, bệnh nhân trọ ở ngoài lên đến 60 người, ở trong đền gần 50 người. Nhưng vì lộn xộn quá nên nhà đền không nhận hết, đành phải giảm, hiện chỉ có 19 bệnh nhân. Có gia đình “mang con bỏ chợ”, cả năm trời không liên lạc, không đến chăm sóc nên buộc nhà đền phải đưa bệnh nhân về tận nhà bàn giao cho chính quyền sở tại”, ông Tự cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Tài, huyện Văn Lâm cho biết: Chính quyền đã nắm được hoạt động chữa bệnh tâm thần tại đền Thó. Phương pháp chữa trị của ông Tự chủ yếu là lao động và đọc kinh, không sử dụng thuốc. “Cuối năm 2016,  Công an tỉnh, Sở Y tế Hưng Yên và chính quyền địa phương đã lập tổ liên ngành kiểm tra và lập biên bản đình chỉ hoạt động chữa bệnh ở đền Thó vì ông Tự không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Ông Tự cũng đã cam kết không thực hiện hoạt động này nữa. Nhưng đến nay, tại đền Thó vẫn diễn ra tình trạng trên với số bệnh nhân ít hơn trước”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, chính quyền địa phương rất khó quản lý hoạt động chữa bệnh ở đền Thó vì mọi người truyền tai nhau rồi kéo đến đền Thó. Nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân tìm đến trụ sở UBND xã để gây áp lực, yêu cầu để ông Tự chữa bệnh.

Theo ông Trần Văn Kiên, Phó trưởng Công an xã Lương Tài, trước đây, người nhà và các bệnh nhân đến đền Thó chữa bệnh yêu cầu phải có bệnh án của bệnh viện để làm thủ tục tạm trú. “Khi có quyết định đình chỉ, thay vì xin tạm trú, phía đền Thó lại thông báo số lượng người xin lưu trú theo quy định 30 ngày với lý do họ đến chơi hoặc làm gì đấy nên cũng khó quản lý”, ông Kiên nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.