Vận tải

Vất vả nghề tài xế buýt nhanh BRT

31/01/2018, 07:20

Trong suy nghĩ của nhiều người, nghề lái buýt nhanh BRT sẽ thảnh thơi, vì cái gì cũng được ưu tiên.

4

Lái xe Xí nghiệp Xe buýt nhanh Hà Nội Đỗ Văn Bằng

Nhưng phải trải nghiệm trực tiếp cùng những bác tài sau tay lái mới hiểu, để có được một chuyến xe an toàn, đúng giờ, họ phải căng thẳng đến mức nào...

Thức dậy trong đêm để kịp giờ đón khách

5h sáng, có mặt tại bến xe Kim Mã (Hà Nội), PV Báo Giao thông là một trong những hành khách “mở hàng” chuyến xe buýt BRT đầu tiên trong ngày.

Vừa cầm cây chổi lau sàn xe trước khi xuất bến, anh Đỗ Văn Bằng - tài xế chia sẻ, một xe BRT được bố trí 2 nhân viên, người chạy ca sáng, người chạy ca chiều. Ca sáng thường bắt đầu từ 5h - 12h, ca chiều bắt đầu từ 12h - 22h.

“Để đảm bảo thời gian phục vụ người dân chuẩn xác nhất, nhân viên chạy ca sáng như chúng tôi thường có mặt tại bến trước giờ chạy khoảng 15 phút, kiểm tra phương tiện và vệ sinh lại xe cho sạch sẽ. Người ở gần thì không sao, nhiều anh em nhà tận Sóc Sơn, Đông Anh để kịp giờ, có khi tờ mờ sáng, khoảng 3h30 đã phải từ nhà xuống bến Yên Nghĩa đánh xe lên bến Kim Mã đón khách, vì cuối ngày xe buýt được tập trung ở bến xe Yên Nghĩa”, anh Bằng nói.

"Để trở thành tài xế điều khiển tuyến buýt nhanh BRT, trước khi bắt đầu làm việc, các lái xe phải miệt mài luyện tập điều khiển xe vào nhà chờ Kim Mã (Đống Đa, Hà Nội). Chủng loại xe sử dụng cho tuyến này có nhiều chi tiết kỹ thuật hiện đại nên tài xế không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Tất cả các tài xế đều phải tập luyện thuần thục dưới sự giám sát của giáo viên. Tuyến buýt nhanh BRT khá đặc thù nên xe có nhiều cửa lên xuống, cùng với hàng loạt các chức năng kỹ thuật mới khiến dàn nút điều khiển khá phức tạp, tài xế mất khá nhiều thời gian làm quen. Việc lái xe vào nhà chờ cũng không hề đơn giản khi xe cồng kềnh và phải qua những khúc cua hẹp. Việc điều khiển xe khớp nối với cầu đón khách cũng đòi hỏi tài xế xử lý chính xác, khá phức tạp”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải 
Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị

Theo anh Bằng, giờ cao điểm đông khách buổi sáng của buýt BRT thường trong khoảng từ 6h - 8h. Thời điểm này, hơn 20 xe hoạt động trên tuyến gần như đều chở trên 100 người. Có những lúc, hành khách dồn lên quá đông, xe đi trước buộc phải “cắt” khách lại để không xảy ra sự cố, làm lỡ thời gian của chuyến.

Nói về những ngày đầu buýt nhanh BRT hoạt động, anh Bằng cho hay, lúc đó, mọi người đều bỡ ngỡ với một phương thức vận chuyển mới. Tài xế dù trước đó đã được làm quen với xe số tự động, học cách tiếp cận nhà chờ cho chuẩn xác, nhưng đi những chuyến đầu vẫn bị đỗ lệch xe đến cả chục lần.

Câu chuyện với lái xe Bằng kết thúc khi xe anh đậu tại BX Yên Nghĩa sau 38 phút di chuyển. Tiếp tục hành trình trải nghiệm buýt nhanh BRT, PV lên chiếc xe buýt chạy chiều ngược lại, xuất phát lúc 6h40 cùng lái xe Nguyễn Hữu Trình.

Ra khỏi cửa bến chưa được bao lâu, xe do anh Trình điều khiển lập tức bị dòng xe chờ đèn tín hiệu tại ngã ba Quang Trung - Ba La lấn làn, chặn lại. Đó mới chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình bị “xâm phạm lãnh địa” của xe buýt BRT trong giờ cao điểm. Những đoạn đường kế tiếp, hình ảnh xe máy vượt lên tạt đầu, chiếm làn xe ra nhan nhản khiến anh Trình liên tục phải rà phanh chiếc buýt BRT to kềnh càng. Nhiều nhất là tại các vị trí điểm quay đầu, điểm giao cắt dọc đoạn đường từ nhà chờ Vạn Phúc kéo dài đến nhà chờ Giảng Võ.

“Xe cá nhân cứ lấn làn, tạt đầu rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tần suất chuyến của lái xe. Một ca làm của tài xế, nếu đường đi suôn sẻ sẽ chạy được 10 lượt, còn không chỉ chạy được 7 lượt là hết công suất”, anh Trình nói.

Chị Nguyễn Trang, một hành khách lên xe từ nhà chờ Dương Nội cho biết: “Vào giờ thấp điểm, tôi chỉ mất 15 - 20 phút để đi từ Dương Nội đến chỗ làm ở Hoàng Đạo Thúy”.

Đi hết đường Giang Văn Minh, rẽ vào điểm cuối BX Kim Mã, nhìn lên đồng hồ, lái xe Nguyễn Hữu Trình cẩn thận nhẩm tính hết 53 phút cho lượt đi này và sau 4 phút nghỉ giải lao, chuyến xe của anh sẽ lại tiếp tục quay chiều ngược lại để phục vụ hành khách.

Buýt nhanh bị bủa vây...

Trải nghiệm thêm một vài chuyến xe buýt nhanh BRT từ đầu bến xe Yên Nghĩa, PV mới thực sự thấu hiểu, để có một chuyến xe về đến điểm cuối đúng giờ, các bác tài phải nỗ lực đến mức nào.

Đúng 12h25 phút, chuyến xe buýt di chuyển, mới từ bến ra trong xe đã đầy ắp học sinh, sinh viên, người đi làm. Chuyến buýt BRT vừa di chuyển vào làn đường của mình đã có 3-4 phương tiện lấn làn, khiến bác tài phải sử dụng phanh liên tục để nhường đường cho các phương tiện vi phạm.

Mỗi khi tới nhà chờ, bác tài phải lái “khéo léo” để khớp với cầu đón khách. Vừa chăm chú quan sát đường, anh Trần Ngọc Lâm chia sẻ: “Điều khiển những chiếc xe lớn thế này, lái xe đều phải có kinh nghiệm cả chục năm. Trước khi tuyến buýt hoạt động, cánh lái xe chúng tôi cũng phải luyện tập, làm quen kiểu xe hiện đại, nắn chỉnh từng động tác cua khó cũng như khớp nối chính xác với cầu đón hành khách”.

Khi được hỏi làm tài xế buýt nhanh sợ nhất điều gì, anh Lâm nói: “Đi lại hàng ngày trên tuyến như thế này, khó khăn nhất đối với cánh xe buýt là lúc gặp đèn đỏ và sợ nhất là gặp cảnh xe máy, ô tô tạt đầu. Khi đó, tài xế cẩn thận nhìn gương chiếu hậu, từ từ rà thắng để tránh va chạm với những người đi xe máy phía sau”. 

Giờ cao điểm chiều, khoảng 5h20’, PV tiếp tục có mặt trên tuyến buýt nhanh BRT từ chiều Kim Mã về bến xe Yên Nghĩa do bác tài Nguyễn Công Dũng lái. Gọi là buýt nhanh, lưu thông trên làn đường riêng nhưng cứ đi đến đâu là cả phía trước, phía sau đều bị bủa vây bởi vô số các phương tiện vi phạm lấn làn. Xe đông chật lên đến cả trăm người, phía dưới các phương tiện ken đặc vào làn đường của BRT. Mới di chuyển từ Kim Mã tới nhà chờ Trung Văn chưa đến chục nhà chờ nhưng lái xe Nguyễn Ngọc Dũng phải phanh và dừng lại đến 30 lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.