Quản lý

VETC có thể học hỏi mô hình ví điện tử của Grab

19/03/2019, 09:33

Theo ông Phạm Tiến Dũng, tài khoản giao thông cũng tương tự như khách hàng nạp tiền vào ví điện tử của Grab.

img
Sự tiện lợi khi xe qua trạm thu phí không dừng. Đồ họa: VETC

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước VN cho biết, phải căn cứ theo Luật Tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng, tuy nhiên tài khoản giao thông lại không thuộc đối tượng điều tiết của Luật. Theo ông Dũng, Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn cho tổ chức tín dụng, phi tín dụng và trung gian thanh toán. Tài khoản giao thông không thuộc đối tượng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về thanh toán. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý, giám sát VETC khi đơn vị này trở thành doanh nghiệp trung gian thanh toán.

Liên quan đến việc trả lãi cho tài khoản giao thông, ông Dũng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản pháp lý nào quy định trả lãi hay không trả lãi cho tài khoản giao thông. Vì tài khoản giao thông là của khách hàng mở tại VETC, không phải tại ngân hàng.

“Ngay cả đối với ví điện tử, để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rõ, tổ chức ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào làm gia tăng giá trị tiền tệ trong ví. Thực tế, thẻ điện thoại trả trước cũng như nhiều hình thức trả trước khác cũng không được tính lãi”, ông Dũng nói.

Tuy không có cơ chế trả lãi cho tài khoản giao thông nhưng ông Dũng gợi ý, VETC có thể học hỏi từ mô hình kinh doanh của Grab. Theo ông Dũng, tài khoản giao thông cũng tương tự như khách hàng nạp tiền vào ví điện tử của Grab. Với hơn 1 triệu khách hàng, số dư trong ví điện tử của Grab có hàng trăm tỷ đồng, khách hàng Grab cũng không yêu cầu được trả lãi vì Grab đã dùng số tiền lãi này quay trở lại khuyến mại cho khách hàng.

“Nếu tài khoản giao thông thuận tiện, mỗi lần khách hàng chỉ cần nạp vài trăm ngàn đồng và có thể luân chuyển thuận tiện sẽ không ai thắc mắc về lãi”, ông Dũng chia sẻ.

Về vấn đề ai sẽ là người trả tiền cho khách hàng trong trường hợp VETC phá sản, ông Dũng cho cho biết, Ngân hàng Nhà nước quy định tổng số dư của ví điện tử không thấp hơn số tiền của tổ chức sở hữu ví gửi tại ngân hàng. Có nghĩa là nếu công ty đó phá sản thì vẫn còn tiền ở ngân hàng. Theo ông Dũng. Quyết định 07 của Thủ tướng đã giao Bộ GTVT có trách nhiệm giám sát thu phí không dừng. Nếu Bộ GTVT có một đơn vị làm đầu mối giám sát số dư, thanh kiểm tra được tổng số tiền trong tài khoản giao thông sẽ đảm bảo được cân đối của số dư này.

Đề cập về kết nối tài khoản, để người dùng quyết định việc tự động chuyển tiền để duy trì hạn mức tối thiểu trong tài khoản trả trước, ông Dũng cho biết, điều này phải được chủ tài khoản ở ngân hàng đồng ý vì không ai có quyền can thiệp vào tài khoản cá nhân, muốn làm được việc này phải có thỏa thuận cho trích nợ của chủ tài khoản. Ông Dũng cho rằng, việc này thiên về hình thức trả sau hơn vì rất có thể trong tài khoản ngân hàng của khách hàng không còn tiền để ghi nợ.

Cũng theo ông Dũng, về lý thuyết nếu áp dụng hình thức trả sau, trạm thu phí sẽ không còn barie, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa bỏ được vì chúng ta chưa có quy định trách nhiệm cho chủ xe khi họ không đăng ký hạn mức, không đăng ký sẽ trả mà cứ chạy qua trạm thì ai là người đi thu tiền xe đó.

“Cần có giải pháp hình thức trả sau và được phản biện tất cả các tình huống có thể xảy ra để việc triển khai được khả thi. Trên thế gới có nhiều quốc gia cũng đã theo hình thức trả sau và cũng chẳng có ai “bùng” cả. Vì vậy, hình thức trả sau có tính khả thi cao, lúc đó vai trò của ngân hàng sẽ rất lớn vì phải đứng ra bảo lãnh”, ông Dũng đề xuất.

Một vấn đề lớn khác được ông Dũng chỉ ra là việc nạp tiền từ các tài khoản khác nhau vào tài khoản chuyên thu của VETC. Cách làm của chúng ta hiện nay chỉ có 1 tài khoản chuyên thu tại ngân hàng BIDV. Nhưng chủ phương tiện lại có tài khoản tại ngân hàng khác, chúng ta không thể ép chủ xe mở tài khoản tại BIDV. Chúng ta phải cho phép chủ phương tiện có tài khoản tại ngân hàng ngoại thương được nạp tiền vào ví giao thông, điều này đã được Grab cho nạp tiền tất cả các ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai sẽ phải trả phí liên ngân hàng với số tiền 7.700 đồng. Khi đó, khách hàng sẽ phản ứng, đó là chưa kể khi chủ phương tiện muốn rút tiền cũng phải quy trình một lần nữa và cũng mất số phí đó. Để tạo thuận tiện cho người dân thì các ngân hàng nên tính toán có mức phí giảm thấp nhất cho chủ phương tiện có tài khoản giao thông.

Nếu VETC kết nối với cổng thanh toán Napas (Công ty CP thanh toán quốc gia VN) thì VETC có thể đến với mọi ngân hàng vì Napas có hệ thống kết nối với mọi ngân hàng, khách hàng có tài khoản bất kỳ ngân hàng nào thì cũng sẽ được Napas kết nối. Grab có hàng triệu khách hàng trả tiền qua ví nhưng không có vướng mắc từ khâu nạp tiền đến thanh toán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.