Chuyện dọc đường

Vì đâu khó dẹp xe “trá hình” biến tướng?

05/02/2018, 06:47

Xe trá hình vốn là một loại biến tướng của các loại xe phù hiệu chạy khách hợp đồng, du lịch.

xe-tra-hinh-dn-hue

CSGT xử phạt một xe "trá hình". Ảnh minh họa

Không chỉ dừng lại ở những hình thức bắt khách lẻ trước đây, loại xe này vẫn ngày một biến tướng với nhiều, chiêu trò đối phó tinh vi… đang thách thức các cơ quan hành pháp, công quyền và làm phức tạp tình hình vận tải hành khách ở hầu khắp các địa phương trên cả nước.

Khác với xe tuyến cố định, xe trá hình “ngồi mát ăn bát vàng” hoạt động lách luật và các loại thuế phí (không xuất vé, không xuất hóa đơn, ký hợp đồng khống….), cùng nhiều kẽ hở luật pháp với loại xe dưới 10 chỗ, kiểm soát hợp đồng vận tải… khiến vấn nạn này ngày một phát triển. Chỉ tính riêng tại Huế, Đà Nẵng, mỗi địa phương hiện có trên dưới 900 phương tiện được cấp phép phù hiệu hợp đồng/du lịch. Trong đó, loại xe dưới 10 chỗ chiếm khoảng 1/3 con số này.

Từ những hợp đồng vốn sơ sài qua mắt cơ quan chức năng, các nhà xe trá hình hợp thức hóa khách lẻ bằng việc “thỏa thuận ngầm”, lấy rõ từng thông tin hành khách để dồn vào các bản hợp đồng đã soạn sẵn. Từ chỗ chỉ có các loại xe Limousine, xe 16 chỗ, vấn nạn xe trá hình biến tướng thêm loại hình “xe ké” vốn xuất phát từ mục đích của dân du lịch, công chức đi công tác, tour tuyến đi nhờ cùng nhau để bớt giảm chi phí…

Từ cái gốc “phù hiệu”, xe trá hình ngày càng “trăm hoa đua nở”, trong khi công tác TTKS, xử lý vi phạm lại chủ yếu mang tính thủ công.  Hơn tháng trời theo chân các tổ TTKS liên ngành Đà Nẵng, ghi nhận công tác kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng Huế, Đà Nẵng mới thấy cuộc chiến chống xe trá hình rất cam go và dường như “không có lối thoát” để giải quyết triệt để. Việc cài cắm “nhân chứng” trên các chuyến xe trá hình nhằm bắt tận tay, buộc tài xế hết đường chối cãi… mới chỉ mang lại hiệu quả bước đầu. Ít nhất khoảng 70 lượt xe trá hình bị lực lượng liên ngành Đà Nẵng, Huế xử lý. Nhưng điều đó là chưa đủ. Những nhà xe bị xử phạt sẵn sàng nộp phạt, thay tài xế (bị tạm giữ GPLX) để tiếp tục hoạt động trước món hời quá lớn. Thậm chí, có xe 7 chỗ còn quay cả clip, lưu lại bằng chứng yêu cầu khách xác nhận “được đi nhờ, không nhận tiền vé, chỉ nhận tiền “bồi dưỡng” nhằm đối phó cơ quan chức năng…

Một lãnh đạo TTGT Đà Nẵng phải thốt lên cần một giải pháp căn cơ, thay vì cứ chạy theo biến tướng loại xe trá hình, xử lý phần ngọn. Đáng nói, khi các xe trá hình đang bị lực lượng chức năng xử lý, vẫn có thêm nhiều xe khác được cấp phù hiệu. Thực tế, loại xe phù hiệu hợp đồng, du lịch này đang được “khai sinh” ồ ạt mà thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đây là nguyên nhân căn bản khiến vấn nạn xe trá hình không những không thể kiểm soát mà ngày càng bùng nổ, biến tướng.

Điểm mấu chốt, tạo điều kiện cho loại xe trá hình có “đất sống” chính bởi sự dễ dãi của hành khách đang “tiếp tay” cho các hoạt động kinh doanh vận tải sai trái. Nhà xe đánh vào tâm lý nhanh chóng - thuận tiện của hành khách để thu tiền xe (cao gấp 2-3 lần vé xe tuyến cố định) nhưng buộc hành khách phải xác nhận “đi nhờ, không thu phí”. Chính điều này nên nhiều tài xế còn mạnh miệng rêu rao “chở từ thiện” hành khách. Nếu không có nền tảng văn minh thương mại, kinh doanh vận tải hành khách từ chủ xe - hành khách - cơ quan quản lý, TTKS, vấn nạn xe trá hình vẫn khó ngăn chặn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.