Văn hóa - Giải Trí

Vì đâu văn học Nga thu mình ở Việt Nam?

08/11/2017, 09:35

Dòng sách văn học Nga từng chiếm vị trí quan trọng một thời ở Việt Nam, nay thì đìu hiu, lặng lẽ.

18

Dostoevsky, đại văn hào Nga có số tác phẩm được dịch ra tiếng Việt nhiều nhất hiện nay

Một thời hoàng kim

Còn nhớ trước khi tiếng Anh lên ngôi ở Việt Nam, suốt giai đoạn 1960 -1990 tiếng Nga mới là ngôn ngữ có vị thế cao nhất. Theo đó, văn học Nga cũng từng có thời kì ngự trị độc tôn trong lòng người yêu văn chương nước ta. Ở thời hoàng kim, những trang văn xứ Bạch Dương là món ăn tinh thần đẹp đẽ nhất của người Việt.

Theo dịch giả Phạm Ngọc Thạch, trước năm 1975 văn học Nga vào Việt Nam theo 2 xu thế. Miền Bắc dịch trực tiếp các tác phẩm bằng tiếng Nga, tập trung vào các tác gia Xô Viết như: Maksim Gorky, Mikhail Sholokhov, Chingiz Aitmatov, Aleksey N.Tolstoy… Ngược lại, miền Nam thường dịch thông qua các bản tiếng Anh và Pháp, hướng về các tác phẩm kinh điển như Lev Tolstoy với bộ 3 Chiến tranh & hòa bình, Anna krenina và Phục sinh, Dostoevsky với Tội ác & trừng phạt, Anh em nhà Karamazov, tuyển tập thơ Pushkin… Sau năm 1975, văn học Xô Viết lên tới đỉnh. “Khi ấy, sách văn học Nga ăn khách đến nỗi tác phẩm Đoạn đầu đài của Chingiz Aitmatov chưa ra mắt tập 1 mà tập 2 đã được dịch xong”, dịch giả Thúy Toàn hồi tưởng.

Hút người lớn đã đành, trẻ em Việt cũng bị các cây bút nước Nga mê hoặc. Nhiều nhân vật văn học thiếu nhi Nga tới nay đã thành kinh điển như: Bác sĩ Aibolit (Korney Chukovsky), Ông già Khottabych (Lazar Lagin), Cậu bé Mít đặc và các bạn (Nikolai Nosov), Buratino (Aleksey Nikolayevich Tolstoy). Từ đời sống đi vào học đường, không ít thế hệ học sinh Việt Nam trưởng thành cùng những trang sách như: Mái tóc xanh (dịch từ bài thơ Bạch Dương của Sergei Yesenin), Tôi yêu em (Puskin), Bà tôi (trích đoạn từ tác phẩm Thời thơ ấu của Makxim Gorky), Người trong bao (Chekhov)….

Ngày càng vắng bóng

Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1990 tới nay, sách văn học Nga tại Việt Nam dần lắng xuống. Ông Xuân Minh, Chuyên viên Phòng Bản quyền của Nhà sách Nhã Nam chia sẻ: “Công chúng không còn đón nhận văn học Nga một cách sôi nổi. Doanh số bán ra không cao so với các dòng sách khác. Đã lâu lắm rồi, Nhã Nam không còn dịch tác phẩm văn học Nga mới, chủ yếu là tái bản”.

"Những dịch giả cao tuổi như tôi hiện không còn thì giờ để dịch sách và dịch cũng chẳng để làm gì. Đội trẻ không nhiều, hầu như chỉ đang luyện dịch nên dẫn tới chất lượng sách cũng kém đi”.

Dịch giả Thúy Toàn

Dịch giả Thúy Toàn cũng nhận định rằng, số lượng sách văn học Nga hiện nay đang thu hẹp dần, quanh đi quẩn lại chỉ tái bản các tác phẩm kinh điển. Dịch mới cùng lắm là sách thiếu nhi, sách truyện đời thường, tình báo… Năm 2013, Nhà xuất bản Trẻ ra mắt cuốn Tuần đêm của tác giả Sergey Lukianenko. Dù được quảng cáo hoành tráng, đình đám nhưng vẫn lặn mất tăm trên thị trường.

Khi được hỏi về lý do suy yếu của văn học Nga tại Việt Nam, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ra những yếu tố mang tính thời đại. “Khi chúng ta mở cửa giao lưu với thế giới, nhiều nền văn hóa mới ùa vào. Người biết tiếng Anh, tiếng Pháp hay các ngoại ngữ mới tăng lên, đem theo nền văn học của các nước đó vào Việt Nam. Trước đây, chúng ta có gì ăn nấy, có một món thì đề cao món đó. Nay mở cửa muốn gì cũng có, món ăn tinh thần cũng vì vậy nhiều hơn”. Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô cũng cắt đứt sự liên hệ về văn học với Việt Nam. “Trước đây, chúng ta theo dõi nền văn học của họ rất sát sao. Bên Nga có tác phẩm gì, tác giả nào là ta bắt nhịp ngay. Liên Xô sụp đổ thì sự theo dõi ấy không còn nữa”, ông Phạm Xuân Nguyên lý giải.

Tiếng Nga bị các ngôn ngữ khác lấn át, dẫn tới đội ngũ dịch giả tiếng Nga mất vị thế, hoạt động trầm dần. Trong quá khứ, đội ngũ dịch giả văn học Nga từng rầm rộ với những cái tên như: Thúy Toàn, Phạm Mạnh Hùng, Đoàn Tử Huyến, Trần Tiễn Cao Đăng… Nay, số người còn theo đuổi vô cùng ít ỏi. Quỹ Hỗ trợ quảng bá Văn học Việt - Nga thành lập năm 2012 do chỉ được hỗ trợ về bản thảo, chứ không phải tiền thù lao nên vẫn chưa thể đạt mục đích ban đầu: Vực dậy làn sóng văn học dịch nước Nga.

Ở phương xa, bản thân nền văn học Nga cũng đang có sự xáo trộn nhất định. Theo chuyên viên Xuân Minh của Nhã Nam: “Theo dõi văn học Nga sẽ thấy lâu lắm rồi họ không có một dấu ấn gì ghê gớm trên thế giới, trong khi các nền văn học khác vận động từng ngày”. Thành thử, trong khi Anh, Pháp Mỹ hay Nhật Bản có thị trường riêng thì sách Nga lại không. Thậm chí, Trung Quốc còn biết tận dụng cực tốt môi trường internet để tạo ra một thế hệ văn học mạng. Trong khi nước Nga, dù sở hữu nền tảng công nghệ chẳng thua ai, nhưng lại trầm lắng hoàn toàn trước sự sôi nổi của kỷ nguyên số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.