Thế giới giao thông

Vì sao 162 người thiệt mạng trên QZ8501 không thể 'kêu cứu'?

22/01/2015, 07:28

Có thể yếu tố con người là nguyên nhân chính dẫn đến thảm hoạ khiến 162 người thiệt mạng trên chuyến bay QZ8501.

101
Hiện mới chỉ tìm được 53 thi thể, trong đó 36 thi thể đã được nhận dạng 

Tăng độ cao đột ngột - chết máy - rơi xuống biển

Điều trần trước Quốc hội ngày 20/1, ông Ignasius Jonan, Bộ trưởng Giao thông Indonesia cho biết: Thời điểm xảy ra tai nạn, máy bay QZ8501 đang trên hành trình từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore, đã tăng độ cao quá nhanh, dẫn đến chết máy đột ngột trên không, rồi rơi thẳng xuống biển.

Theo báo cáo căn cứ trên dữ liệu được trích xuất từ hộp đen: Máy bay QZ8501 gia tăng độ cao với tốc độ 6 nghìn feet/phút (hơn 1.800 m/phút), cao gấp ba lần bình thường. Ngay cả máy bay chiến đấu cũng khó có thể tăng độ cao với vận tốc nhanh như vậy, hãng tin Channel News Asia dẫn lời ông Jonan. Theo các điều tra viên, tốc độ lên cao của một máy bay dân dụng chỉ khoảng 1 - 2 nghìn feet/phút. Chúng không được thiết kế để lên cao với vận tốc nhanh như vậy. Trước đó, hãng tin Reuters dẫn một thông tin điều tra ban đầu rằng: Các dữ liệu radar dường như cho thấy chiếc máy bay xấu số đã tăng độ cao một cách đột ngột đến mức không thể tin được trước khi biến mất, có thể vượt qua mức nó được thiết kế.

Điều tra viên thuộc Ủy ban ATGT Quốc gia Indonesia Andreas Hananto cho tờ Jakarta Post biết, có thể chiếc máy bay gặp thời tiết xấu và muốn bay tránh. Trước đó một ngày, các điều tra viên nói rằng vụ tai nạn này không có dấu hiệu của khủng bố hay tự sát. Và theo ông Hananto, các nhà điều tra nghe toàn bộ nội dung ghi âm, xác định không có giọng nói đe dọa nào, không có tiếng nổ nào. Ngoài ra, có vẻ như cơ trưởng đã cố tìm cách kiểm soát máy bay để nhằm phát đi tín hiệu gặp nạn.

Vì sao không phát tín hiệu gặp nạn?

Điều mọi người đến giờ vẫn cảm thấy khó hiểu là tại sao máy bay không phát tín hiệu khi gặp nạn. Vẫn còn 1.200 thông số nữa cần phân tích để xác định điều kiện thời tiết cụ thể khi tai nạn xảy ra và ảnh hưởng của thời tiết tới động cơ, ông Hananto nói và cho biết thêm, trong cuộc trao đổi cuối cùng giữa cơ trưởng và kiểm soát không lưu không có nội dung tăng độ cao, mà chỉ đề nghị bay vòng để tránh thời tiết xấu. Ertata Lananggalih, một điều tra viên khác cho biết, hiện đang tập trung điều tra xem liệu do lỗi con người hay trục trặc kỹ thuật và cách phi công phản ứng trước điều kiện thời tiết xấu như thế nào.

Cuối tuần trước, hải quân Singapore đã tìm thấy phần thân chính của chiếc máy bay QZ8501 gặp nạn làm 162 người thiệt mạng vào ngày 28/12/2014. Tuy nhiên, các thợ lặn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận do thời tiết xấu, sóng cao và dòng hải lưu ngầm mạnh. Hiện phần thân máy bay đã được định vị, các đội cứu hộ đang cố gắng đưa nó lên khỏi mặt nước. Bên trong phần thân máy bay được cho là còn rất nhiều thi thể các nạn nhân. Đến nay, mới tìm kiếm được 53 thi thể, 36 thi thể đã được nhận dạng và trao trả cho phía gia đình.

Cũng tại buổi điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Ignasius Jonan đề xuất một loạt thay đổi cải thiện tiêu chuẩn an toàn hàng không như: Ban hành bộ quy tắc mới về cấp phép, an toàn bay, yêu cầu kiểm tra sức khỏe đối với phi hành đoàn, nhân viên kiểm soát không lưu, nâng lương cho bộ phận bảo dưỡng và giám sát an toàn bay. Các hãng sẽ không được phép bán vé trước khi được cấp phép khai thác tuyến bay mới. Hiện, Bộ Giao thông Indonesia đã đình chỉ tuyến bay Surabaya - Singapore vì vi phạm những điều khoản quy định trong giấy phép khai thác đường bay.

Các nhà phân tích cho biết, hiện hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển bùng nổ của ngành Hàng không Indonesia, rõ nhất là các sân bay đang rơi vào tình trạng quá tải.

Thanh Huyền

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.