Hồ sơ tài liệu

Vì sao Biển Đông không yên tĩnh?

27/05/2014, 11:06

Vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một lần nữa thể hiện tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.

Vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một lần nữa thể hiện tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Báo Giao thông xin gửi tới quý Bạn đọc một số tư liệu về Biển Đông và tranh chấp ở Biển Đông, qua đó giúp Bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề phức tạp này.

Kỳ 1: Biển Đông: “kho báu” của thế giới

Biển Đông là một biển nửa kín, trải rộng từ khoảng vĩ tuyến 20 Nam tới vĩ tuyến 230 Bắc, có diện tích khoảng 3,9 triệu km2. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Biển Đông có hai vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Vịnh Bắc Bộ ở phía Tây Bắc Biển Đông do bờ biển và đảo của Việt Nam và Trung Quốc bao quanh. Vịnh Thái Lan nằm ở phía Tây Nam Biển Đông, do bờ biển của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia bao quanh.

Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam

Biển Đông giàu về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật biển và dầu khí. Biển Đông là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo các nghiên cứu quốc tế, trữ lượng dầu ở Biển Đông là 7,7 tỉ thùng và tổng trữ lượng khí ước tính đạt 28 tỉ thùng. Ở Biển Đông còn có loại tài nguyên có giá trị gọi là “băng cháy”, được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Tài nguyên sinh vật biển, chỉ riêng trong các vùng biển đảo Việt Nam đã có 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy, 2.400 loài cá (trong đó có 130 loài cá kinh tế). Chính vì vậy, Biển Đông gắn liền với đời sống của hàng trăm triệu người dân các nước tiếp giáp Biển Đông và là điều kiện tự nhiên thuận lợi để các nước này phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch…

Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia khác trên thế giới. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Á - châu Âu, Trung Đông - châu Á, là đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Có 5 trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ở khu vực gần giàn khoan trái phép ở Hoàng Sa.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ở khu vực gần giàn khoan trái phép ở Hoàng Sa

Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó đặc biệt là eo biển Malacca. Lượng dầu vận chuyển qua eo biển Malacca nhiều gấp 3 lần so với kênh đào Sue và 30 lần so với kênh đào Panama. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.

Biển Đông có ý nghĩa to lớn về mặt quốc phòng - an ninh. Nhiều đảo, quần đảo (trong đó đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có vị trí án ngữ ở Biển Đông, thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè… phục vụ cho hàng hải trên Biển Đông. Vùng biển này là một trong những địa bàn hoạt động thường xuyên của hạm đội các cường quốc trên thế giới.

Vị trí địa chiến lược quan trọng và nguồn lợi to lớn từ Biển Đông đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức về an ninh đối với khu vực này, cũng như đối với từng nước liên quan. Đó là tranh chấp chủ quyền giữa các bên liên quan, các vấn đề an ninh trên biển như nạn cướp biển, thảm họa thiên tai… đe dọa đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác tại khu vực này.

Còn nữa...

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.