Vận tải

Vì sao buýt nhanh BRT chưa thể ra đường?

15/12/2016, 09:00

Thông tin mới nhất cho biết các xe buýt nhanh BRT vẫn chưa thể vận hành thử trên đường phố...

1

Các lái xe mới đang tập làm quen với buýt BRT và tập ghép xe vào nhà chờ

Lái xe đang tập ghép xe vào nhà chờ 

Trao đổi với Báo Giao thông sáng nay (15/12), Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết cơ quan này đã phối hợp với các bên liên quan cho vận hành thử tuyến buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, trước mắt, những chiếc xe này sẽ chưa ra đường.

“Hiện tại, lái xe mới đang làm quen với xe cũng như tập ghép xe vào nhà chờ trong bến. Khi nào thành thục mới có thể đi ra đường” – ông Hải nói và cho biết thêm: "Những chiếc buýt nhanh BRT khá hiện đại so với xe buýt thông thường nên cần thời gian làm quen xe. Các lái xe phải tập ghép xe vào nhà chờ vì đây là phần khó nhất khi vận hành khai thác".

20/12, buýt nhanh có thể vận hành thử trên đường

“Với buýt nhanh BRT tiêu chuẩn, hành khách sẽ bước lên xe theo mặt bằng ngang với sàn xe. Thực tế, nhà chờ dọc tuyến được xây dựng với độ cao ngang bằng với sàn xe. Tuy vậy, việc vận hành xe sao cho khe hở giữa sàn xe và sàn nhà chờ thấp tối thiểu là không đơn giản, cần được tập dượt, kiểm tra trước khi tuyến buýt được đưa vào hoạt động.

Khoảng 20/12, khi các lái xe quen và làm chủ được chiếc xe thì BRT có thể sẽ được vận hành thử ngoài đường", ông Hải nói.

Trước đó, thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết tuyến buýt nhanh này sẽ không thể chạy nhanh như thiết kế ban đầu. Cụ thể, theo phương án thiết kế ban đầu của Dự án, tuyến buýt nhanh sẽ được vận hành với tần suất 3 phút/lượt; Vận tốc khai thác 23,8 km/giờ, chạy 37 phút trên hành trình Kim Mã – Yên Nghĩa. Tuy nhiên, thực tế vận hành của các tuyến buýt thường trên các trục đường chính hiện nay, cũng như thời gian chạy xe của tuyến đang chạy thử Kim Mã – Yên Nghĩa thì cần tới 50-55 phút/lượt xe.

Đi buýt nhanh Kim Mã-Yên Nghĩa mất 50 phút

Theo Sở GTVT Hà Nội, khoảng thời gian này chỉ có thể giảm xuống còn khoảng 48 – 50 phút trong điều kiện giao thông hỗn hợp nếu được một số ưu tiên trong tổ chức giao thông như kẻ dài phân cách liền trên một số đoạn, có hàn đinh để tách bạch cũng như tổ chức giao thông tại các nút dọc tuyến, hạn chế một số phương tiện tham gia trên lộ trình tuyến…

“Muốn đạt được vận tốc thiết kế ban đầu, buýt nhanh BRT phải có làn riêng, cụ thể là làn cho buýt BRT được rào cứng 100% dọc tuyến” – đại diện sở GTVT Hà Nội khẳng định. 

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, tuyến buýt BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) sẽ được vận hành phục vụ 17 giờ/ngày, tương đương với dịch vụ của mạng buýt thường hiện nay (từ 5h00 đến 22h00) để đảm bảo tính liên thông về mặt thời gian).

Trong giờ cao điểm, buýt nhanh BRT sẽ hoạt động theo tần suất 5 phút/ lượt xe như các tuyến buýt trục chính hiện nay, ít hơn so với thiết kế ban đầu (3 phút/lượt ). Vào giờ thấp điểm, con số này là 10 - 15 phút/lượt.

Dự kiến trong ngày thường, buýt nhanh BRT sẽ phục vụ 358 lượt/ngày (bằng 70% so với thiết kế). Riêng ngày chủ nhật, số lượt xe sẽ giảm hơn nữa, chỉ còn 264 lượt, bằng 52% thiết kế ban đầu. 

Ngoài ra, do chưa có hệ thống thẻ vé điện tử nên tạm thời áp dụng giá vé theo Quyết định 18/2014/QĐ-UBND. Cụ thể, vé lượt là 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường. Vé tháng sẽ áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.