Hạ tầng

Vì sao các dự án BOT giao thông đều chỉ định thầu?

12/09/2017, 07:05

Với các quy định thời điểm đầu tư BOT giao thông thì việc đấu thầu chẳng khác gì việc hái sao trên trời...

1

Với việc chỉ định thầu các dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, quá trình xây dựng được đẩy nhanh đã rút ngắn thời gian hoàn thành từ 1-1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội (Trong ảnh: Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai) - Ảnh: Văn Tư

Theo quy định, dự án BOT giao thông có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký tham gia sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, do văn bản quy phạm pháp luật thiếu chặt chẽ, lại chồng chéo nhau khiến công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại các dự án BOT giao thông chẳng khác gì việc hái sao trên trời. Chưa kể, nếu đấu thầu cả nhà nước và dân đều thiệt... 

Luật cản trở việc... đấu thầu

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT thuộc lĩnh vực giao thông tại Bộ GTVT. Trong đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, hơn 70 dự án (100%) BOT, BT giao thông thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Trước thông tin này, không ít cơ quan truyền thông cho rằng, Bộ GTVT làm sai quy định, thiếu công khai, minh bạch, thậm chí là có lợi ích nhóm khi áp dụng hình thức chỉ định thầu tại các dự án BOT.

Lật giở hồ sơ pháp lý, theo thông tin của Báo Giao thông, các dự án BOT giao thông triển khai trong giai đoạn 2011-2015 hầu hết được áp dụng theo quy định của Nghị định 108/2009, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015 (hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2015). Đối với quy định lựa chọn nhà đầu tư các dự án BOT, tại Điều 13, Nghị định 108 nêu rõ: Đối với dự án trong danh mục dự án đã công bố có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký thực hiện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. 

"Công tác lựa chọn nhà đầu tư ở tất cả dự án BOT giai đoạn năm 2011-2015 đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đều tuân thủ quy định của Chính phủ tại Điều 14, Nghị định 108 của Chính phủ, đó là dự án cấp bách được Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc sau khi hết thời hạn 30 ngày công bố danh mục dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký. Bộ GTVT nhận định, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong lựa chọn nhà đầu tư là một hạn chế vì thiếu tính cạnh tranh. Tuy nhiên, với các quy định thời điểm đó thì việc đấu thầu không khả thi.

Để khắc phục bất cập, hiện nay, Bộ GTVT đã báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận lấy giá trị phê duyệt dự toán bước thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Nhật

Đồng thời, trong Nghị định 108, Điều 14 quy định dự án được áp dụng chỉ định nhà đầu tư trong hai trường hợp: Thứ nhất, dự án được công bố danh mục dự án trong vòng 30 ngày mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia; Thứ hai, dự án cần thực hiện để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc sử dụng công trình kết cấu hạ tầng do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và báo cáo thẩm định của Bộ KH&ĐT.

Trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, về mặt pháp lý, các dự án BOT giao thông trong giai đoạn 2011-2015 nếu thực hiện đấu thầu sẽ phải áp dụng theo quy định của Thông tư 03/2011 do Bộ KH&ĐT ban hành ngày 27/01/2011. Theo đó, tổng mức đầu tư được lập trong bước thiết kế cơ sở sẽ được đưa ra ngay để đấu thầu và tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn nhà đầu tư là thời gian hoàn vốn của dự án.

“Tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn chứ đây không phải là giá trị thực tế đầu tư của dự án. Nếu chúng ta đặt tiêu chí thời gian thu phí hoàn vốn lựa chọn nhà đầu tư căn cứ vào tổng mức đầu tư ban đầu sẽ là rủi ro rất lớn cho Nhà nước và người dân. Bởi, khi nhà đầu tư trúng thầu, họ có quyền được bảo lưu thời gian thu phí, nhưng thời gian thu phí này lại không chính xác vì chỉ dựa trên các số liệu đầu vào giả định là tổng mức đầu tư và lưu lượng xe dự kiến”, ông Trường nói.

Ông Trường phân tích thêm, nếu một nhà đầu tư trúng thầu với thời gian thu phí 15 năm, nhưng thực tế giá trị quyết toán công trình giảm xuống so với tổng mức đầu tư và lưu lượng xe thực tế qua trạm tăng cao hơn dự kiến, khi đó thời gian hoàn vốn thực tế chỉ còn khoảng 10 năm. Lúc đó, nhà đầu tư nghiễm nhiên được hưởng 5 năm thu phí, khiến Nhà nước và người dân đều bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cũng cho rằng, không thể dùng tổng mức đầu tư để đấu thầu được vì đó chỉ là con số ước tính. Đồng thời, theo quy định của Luật Xây dựng, trong tổng mức đầu tư được phép dự phòng 10%, tức là chấp nhận sai số 10%. Nếu mang tất cả ra đấu thầu, sau này nhà đầu tư được hưởng hết, khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hơn nữa, để đấu thầu, phải xác định mức phí ngay từ đầu. Trong khi đó, theo quy định Thông tư 159 của Bộ Tài chính, mức phí chỉ được xác định khi có nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư trình Bộ GTVT. Sau đó, Bộ GTVT trình Bộ Tài chính thì mới xác định mức phí cho dự án. Để đấu thầu, phải có giá phí để tính phương án tài chính, ngược lại giá lại do nhà đầu tư trình, nhưng khi chưa đấu thầu làm sao có nhà đầu tư. Mặt khác, trước thời điểm ngày 1/1/2017, chúng ta tuân thủ pháp lệnh phí và lệ phí. Trong khi, phí do Nhà nước quản lý thì không thể mang tiêu chí đó ra để đấu thầu”, ông Huy nói và cho biết, đây là những vướng mắc do thể chế chính sách khiến việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại các dự án BOT đến nay vẫn chưa thực hiện được dự án nào.

3

Hầm Đèo Cả được đầu tư bằng hình thức BOT - Ảnh: Xuân Huy

Chỉ định thầu cũng phải theo quy định pháp luật

Đề cập đến việc hơn 70 dự án BOT, BT áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT công khai kêu gọi rất nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT và danh mục dự án được đăng tải thông tin rộng rãi trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia lại rất hạn chế, chủ yếu là những đơn vị có sẵn máy móc thiết bị, có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông mới quan tâm đầu tư. 

Đi dọc Bắc - Nam hết tối đa 4,8 triệu đồng tiền giá BOT

Trước thông tin xe container đi từ Bắc vào Nam mất 20 triệu đồng tiền xăng, nhưng mất tới 93 triệu đồng tiền phí BOT, chiều 11/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, xe lớn nhất đi từ Bắc vào Nam chỉ hết trên 4,8 triệu đồng, không có chuyện hết 93 triệu đồng như một số thông tin phản ánh.

Cụ thể, theo ông Huyện, phương án 1 đi theo lộ trình tuyến QL1 cũ với tổng số 29 trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, tổng giá vé cho 1 xe đi từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Bạc Liêu như sau: Vé loại 1 là 865.000 đồng, loại 2 là 1.238.000 đồng, loại 3 là 1.823.000 đồng, loại 4 là 2.975.000 đồng và loại 5 là 4.540.000 đồng.

Phương án 2 đi theo lộ trình tuyến cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ với 29 trạm có tổng giá vé cho 1 xe đi từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu như sau: Vé loại 1 là 955.000 đồng, loại 2 là 1.325.000 đồng, loại 3 là 1.978.000 đồng, loại 4 là 3.150.000 đồng và loại 5 là 4.805.000 đồng.

Đối với QL14 với 5 trạm có tổng giá vé cho 1 xe đi toàn tuyến như sau: Vé loại 1 là 175.000 đồng, loại 2 là 250.000 đồng, loại 3 là 375.000 đồng, loại 4 là 640.000 đồng và loại 5 là 940.000 đồng.

Liên quan đến thu giá BOT, mới đây một số tờ báo có đăng tải thông tin về việc Việt Nam hiện có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm, trung bình cứ 62km sẽ có một trạm. Đáng chú ý là theo các nguồn tin này thì “mỗi xe container đi từ Bắc - Nam mất chỉ khoảng 20 triệu đồng tiền xăng, nhưng mất đến 93 triệu đồng tiền phí BOT”.

T.Duy

“Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài và lợi nhuận không cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp chủ yếu đăng ký để thi công, còn đơn vị đăng ký để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quá ít so với số lượng dự án BOT được kêu gọi đầu tư”, ông Trường nói và cho biết, các doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp thi công đã chủ động kết hợp với nhau thành các tổ hợp, liên doanh để đảm bảo năng lực thực hiện các dự án. 

“Sau thời gian 30 ngày đăng tải thông tin danh mục dự án kêu gọi đầu tư, dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Điều 14, Nghị định 108”, ông Trường nói và cho biết thêm, sau khi lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT tiến hành thẩm định năng lực và công khai các thông tin về nhà đầu tư tại các dự án để các nhà đầu tư khác và cơ quan liên quan phản ánh nhằm giúp Bộ GTVT kiểm tra lại một lần nữa. Quy trình được thực hiện rất chặt chẽ. Trên thực tế, gần như không có nhà đầu tư nào vi phạm những quy định trong quá trình thực hiện các dự án BOT như việc góp vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, năng lực tổ chức thi công.

Theo ông Trường, khi áp dụng hình thức chỉ định thầu, chúng ta kiểm soát được thời gian thu phí của các dự án BOT, bởi trong điều khoản hợp đồng chỉ định thầu đều quy định là thực thanh, thực chi, tổng mức đầu tư thực tế của công trình thông qua quyết toán mới là giá trị để xác định thời gian hoàn vốn. Đồng thời, khi lưu lượng xe thay đổi, tăng cao hơn so với dự kiến, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được quyền điều chỉnh giảm thời gian thu phí của dự án xuống. Thực tế, vừa qua, sau khi hoàn thành quyết toán 54 dự án BOT, BT, Bộ GTVT đã thỏa thuận và ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư để điều chỉnh giảm thời gian thu phí của nhiều dự án BOT so với hợp đồng ban đầu.   

“Nếu thực hiện đấu thầu các dự án BOT thì tất cả các tiêu chí về tổng mức đầu tư, mức phí và thời gian thu phí đều sẽ phải cố định. Mặt khác, khi dùng giá trị tổng mức đầu tư để đấu thầu sẽ khó kiểm soát được chi phí, nhất là chi phí dự phòng không sử dụng hết, khiến Nhà nước và người sử dụng dịch vụ đường bộ chịu thiệt hại”, ông Trường nhấn mạnh. 

Trao đổi thêm với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư cho biết thêm, khi áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư so với đấu thầu, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác sử dụng. 

“Điển hình là các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu, thời gian xây dựng được đẩy nhanh đã rút ngắn thời gian hoàn thành từ 1-1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội. Các dự án được đưa vào khai thác sớm đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm ùn tắc và TNGT, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân...”, ông Huy nói và cho biết, các dự án BOT trong thời gian qua áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Dự án nào áp dụng chỉ định thầu theo quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền cũng đều có báo cáo thẩm định của Bộ KH&ĐT, chứ không phải chỉ có đề xuất của Bộ GTVT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.