Điện ảnh

Vì sao Cánh diều vàng 2016 vắng bóng phim Nhà nước?

23/03/2017, 08:55

Lần đầu tiên trong lịch sử trao giải của Hội Điện ảnh VN- Cánh diều vàng 2016 vắng bóng phim điện ảnh Nhà nước...

22

“Cha cõng con” được vinh dự chiếu và tranh giải chính thức tại 6 liên hoan phim lớn và giành được nhiều giải thưởng quốc tế khác

Vắng mặt phim Nhà nước, cân đo phim đạo diễn ngoại

Giải thưởng Cánh diều vàng 2016 đã thu hút 118 phim tham gia; Trong đó có, 19 phim điện ảnh, 20 phim truyền hình (tổng số 523 tập), 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn, 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Tất cả hạng mục đều từ chối nhận phim dự thi có kịch bản Việt hóa nước ngoài.

NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh, mục tiêu của Cánh diều vàng nhằm khích lệ sự phát triển của các bộ phim điện ảnh trong nước. Tiêu chí của giải thưởng năm nay là đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và có hiệu quả xã hội tích cực. Do đó, các phim có kịch bản Việt hóa không phù hợp với mặt bằng chung.

Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2016 sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 9/4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Nghệ sĩ Quyền Linh sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn chương trình.

Khán giả muốn xem 19 phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều vàng sẽ nhận vé mời từ ngày 1/4. Từ ngày 3 - 7/4, 19 phim trên sẽ được trình chiếu miễn phí tại 5 cụm rạp ở TPHCM gồm: Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh. Riêng bộ phim Cha cõng con ra rạp từ ngày 5/4, sẽ có một suất chiếu dành cho khán giả vào ngày 7/4.

Cũng trong khuôn khổ Cánh diều vàng lần này, phim Vệ sĩ Sài Gòn, phim Việt Nam nhưng đạo diễn Ken Ochiai (Nhật Bản) là trường hợp nước ngoài duy nhất đang được Hội đồng Cánh diều vàng nâng lên đặt xuống, cân nhắc việc có loại bỏ khỏi giải thưởng này hay không?

Ông Hải cho biết: “Bộ phim có thành công hay không thì vai trò của đạo diễn mang tính chất quyết định. Nhưng nếu loại bỏ phim này ra khỏi danh sách thì thiệt thòi cho ê-kíp vì quay phim, diễn viên đều là người Việt Nam”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định thêm, dự án điện ảnh Vệ sĩ Sài Gòn có thể chỉ được tham gia tranh giải thưởng cá nhân như diễn viên nam/nữ chính xuất sắc nhất, diễn viên phụ xuất sắc nhất, quay phim, âm thanh, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật... chứ không tranh giải phim Phim truyện điện ảnh hay nhất; Đạo diễn xuất sắc.

Đặc biệt, trong số 19 đề cử cho giải phim điện ảnh là không có một bộ phim Nhà nước nào tham dự tranh giải. Đây có lẽ là điều kỳ lạ nhất sau nhiều mùa tổ chức của giải thưởng Cánh diều vàng.

Theo NSND Đặng Xuân Hải, các bộ phim xã hội hóa ngày càng lan rộng, biến thị trường điện ảnh trở nên đa dạng, phong phú. “Không có gì đáng lo ngại hay băn khoăn chuyện thiếu vắng tác phẩm của đơn vị sản xuất phim Nhà nước. Đó là xu hướng phát triển tất yếu của chủ trương xã hội hóa điện ảnh. Muốn có nền điện ảnh phong phú, đa dạng, phát triển phải có sự góp sức của các đơn vị sản xuất phim và huy động nguồn vốn sản xuất phim trong cả nước”.

Năm 2016, không có phim Nhà nước được sản xuất

Theo Quyết định số 3575/QĐ-BVHTTDL ngày 21/10/2015 của Bộ VH, TT&DL phê duyệt thì có bốn bộ phim truyện điện ảnh được đặt hàng trong năm 2015-2016. Cụ thể là, bộ phim Không ai bị lãng quên, dài 90 - 100 phút, đề tài về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh Vệ quốc của Hồng quân Liên Xô. Tiếp theo là phim truyện Người yêu ơi, độ dài 90 - 100 phút, đề tài về đồng bào dân tộc, miền núi; giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phim thứ ba là Địa đạo, độ dài 90 - 100 phút, đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam tại vùng đất Củ Chi thành đồng. Phim cuối là Xã tắc, độ dài 90 - 100 phút, đề tài lịch sử, phản ánh công cuộc gìn giữ bờ cõi, chống thù trong, giặc ngoài của dân tộc Việt Nam.

Được biết, Bộ VH, TT&DL đã giao cho Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Điện ảnh làm các thủ tục trình Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí tài trợ, đặt hàng sản xuất phim từ nguồn chi trợ giá của ngân sách Trung ương năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Anh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, đến nay bốn bộ phim trên hiện tại vẫn án binh bất động và chưa được sản xuất do chưa được cấp kinh phí sản xuất.

Điều này có nghĩa trong năm 2016 không có một bộ phim truyện nào được sản xuất bằng tiền vốn do Nhà nước cung cấp. NSND Đặng Xuân Hải cũng cho biết, năm 2015, 2016, nguồn ngân sách làm phim Nhà nước chưa được thông suốt. Chính vì thế, hiện nay, các đơn vị sản xuất phim Nhà nước đang gặp khó khăn về nguồn ngân sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.