Hỏi - Đáp

Vì sao CSGT kiểm tra giấy tờ tùy thân, trưng dụng phương tiện?

31/01/2016, 07:29

Vì sao CSGT được quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân? CSGT phạt sai, người vi phạm khiếu nại thế nào?

csgt-trung-dung-phuong-tien
CSGT được kiểm tra giấy tờ tùy thân, trưng dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc trong trường hợp nào?

Đó là những băn khoăn của nhiều độc giả về Thông tư số 01/2016 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung TTKS giao thông đường bộ của CSGT, có hiệu lực từ ngày 15/2 tới đây. Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an).

Theo quy định tại Thông tư 01, CSGT được dừng xe kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Việc phát hiện trực tiếp bằng mắt thường liệu có đảm bảo chính xác, thưa ông?

Có ý kiến cho rằng, phát hiện bằng mắt thường như thế sẽ không chính xác dẫn đến hiểu nhầm giữa người vi phạm và người thực thi công vụ. Tuy nhiên, tất cả những chiến sỹ CSGT làm tuần tra đều là những người có đủ chuyên môn, nghiệp vụ và đều phải trải qua các khóa đào tạo, thi đạt mới được cấp thẻ tuần tra và ra đường làm nhiệm vụ. Theo đó, nếu xử lý vi phạm bằng mắt thường thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lập biên bản cũng như xử lý vi phạm trên đường.

Ngoài trường hợp trên, còn những trường hợp nào CSGT được phép dừng xe, thưa ông?

Đó là trường hợp thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch TTKS của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên. Trong mệnh lệnh cũng ghi rõ về thời gian, địa điểm, tuyến đường để tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT thì sẽ được triển khai tới cán bộ chiến sỹ tất cả các địa phương.

Ví dụ, trong dịp Tết này, vấn đề vận tải khách dự báo sẽ phức tạp thì để đảm bảo TTATGT, Cục CSGT sẽ ra mệnh lệnh, kế hoạch để tập trung kiểm tra xử lý chuyên đề về xe khách với các hành vi như: Tránh vượt sai qui định, chở quá số người, các thiết bị đảm bảo an toàn kỹ thuật...Trên cơ sở đó, Giám đốc công an địa phương sẽ có kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT địa bàn tập trung xử lý theo chuyên  đề căn cứ vào địa bàn phù hợp.

Bên cạnh đó, CSGT sẽ dừng xe để kiểm tra khi có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp, tránh trường hợp kiểm tra tràn lan.

Trong tình huống khẩn cấp, liên quan bắt giữ tội phạm thì có thể điện thoại chỉ đạo trực tiếp lực lượng CSGT phối hợp bắt giữ nóng. Tuy nhiên, người điện thoại chỉ đạo phải là người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm tin báo đó.

Trường hợp cuối cùng là dừng xe để kiểm soát dựa trên tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. Ví dụ, nhân dân đi xe khách trong dịp Tết phát hiện nhà xe vi phạm chở quá số người quy định, người dân sẽ thông báo cho lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý.

Thiếu tá Công 1
Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an). 

Thông tư này cũng quy định cán bộ TTKS có quyền hạn như: Kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Ông có thể giải thích rõ hơn quy định này?

Điều 87 của Luật GTĐB quy định rõ, người điều khiển phải có GPLX và phương tiện phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và các loại giấy tờ theo quy định mới được phép lưu thông. Trên cơ sở đó, nếu quá trình CSGT kiểm tra người vi phạm giao thông mà nghi đó là tội phạm thì lực lượng CSGT có thể yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình CMND.

Trường hợp, qua kiểm tra thực tế phát hiện GPLX là giả thì CSGT có thể kiểm tra thêm CMND để chứng minh làm rõ người điều khiển phương tiện để so sánh. Đó chính là kiểm tra lại các thông tin của người điều khiển phương tiện có trùng khớp nhau hay không. Quá trình kiểm tra còn tùy vào tình hình cụ thể, nếu là người vi phạm hay tội phạm thì đều có quy trình cụ thể. Không phải kiểm tra là kiểm tra tất.

Nhiều người băn khoăn về quy định CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó. Có người sợ khi họ ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, CSGT lại trưng dụng rồi xóa những thông tin, hình ảnh đó thì sao?

Có quy định này là do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ TTKS, CSGT phát hiện các trường hợp vi phạm giao thông mang tính chất nghiêm trọng cần phải ngăn chặn ngay, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông trên đường. Trường hợp CSGT không đủ các trang thiết bị để ghi nhận hình ảnh, phương tiện để truy đuổi tội phạm thì có thể trưng dụng một số phương tiện trên đường nhưng xong việc phải trả lại cho chủ sở hữu. Trường hợp không may trong quá trình trưng dụng gây hỏng hóc thì CSGT sẽ tiến hành sửa chữa song mới trả lại chủ phương tiện…

Nếu không “tâm phục khẩu phục” với việc xử phạt của CSGT, không công nhận lỗi thì người vi phạm sẽ đến đâu để khiếu nại?

Trong vòng 5 ngày, người vi phạm tới trụ sở Đội, Trạm CSGT nơi lập biên bản để đưa ra căn cứ chứng minh mình không vi phạm. Trường hợp người vi phạm có đầy đủ chứng cứ thì cán bộ, chiến sỹ CSGT lập biên bản phải chịu trách nhiệm, xin lỗi người vi phạm. Còn trường hợp không chứng minh được vi phạm thì phải chấp hành xử lý vi phạm theo quy định.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.