Vận tải

Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà chạy buýt sạch?

19/04/2016, 16:17

"Xe buýt sạch" lợi ích là vậy, song vì sao trong nhiều năm qua việc phát triển xe buýt CNG diễn ra rất chậm?

3

Tuyến buýt số 1 tiên phong trong việc sử dụng xe CNG

Dù lợi ích của việc sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch (Compressed Natural Gas - CNG) rất lớn, tiết kiệm đáng kể nhiên liệu, giảm ô nhiễm, tuy nhiên doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà trong việc đầu tư phương tiện này. Vậy đâu là lý do?

Lợi thì có lợi

Từ năm 2011, Công ty Xe khách Sài Gòn (đơn vị thành viên của SAMCO) đã thí điểm đầu tư 21 xe buýt sử dụng CNG nhập khẩu nguyên chiếc từ Hyundai, Hàn Quốc, đưa vào phục vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến xe buýt số 1 Bến Thành - Bình Tây.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hằng, giảng viên Đại học GTVT cơ sở 2 tại TP.HCM, cho biết, đã tiến hành khảo sát 3 xe buýt CNG chạy trên tuyến số 1 cho thấy nhiều kết quả tích cực. Trung bình một xe tiêu thụ 39,56kg CNG/100km. Sau 1 năm chạy thử nghiệm, các xe buýt CNG trên tuyến số 1 đã tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng tiền nhiên liệu so với chạy dầu diesel trên cùng một cự ly. Bên cạnh đó, so với động cơ xăng và dầu diesel, xe buýt sử dụng CNG động cơ vận hành êm, không có bụi đen, khí thải ra môi trường ít hơn hẳn.

Theo ông Trần Văn Quang, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, với mức kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng/xe buýt CNG, với các tỉnh là rất khó để đầu tư. Ông Quang cho rằng, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để DN chuyển đổi sang xe buýt thân thiện môi trường này. “Các tỉnh cần có tiếng nói chung trong việc kiến nghị Chính phủ có một chính sách hỗ trợ phát triển xe buýt CNG. Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh của DN mà còn là vấn đề chung của xã hội là bảo vệ môi trường, phục vụ người dân”, ông Quang nói.

Tháng 7/2012, Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM đã tự bỏ vốn đầu tư 13 xe buýt nhiên liệu sạch CNG trên tuyến Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng. Tiếp đó, tháng 12/2015, Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) đã sản xuất 6 chiếc xe CNG và bàn giao cho Công ty TNHH Becamex Tokyu Bus hoạt động từ Thủ Dầu Một đến TP mới Bình Dương.

Trước đó, với những lợi ích về hiệu quả sử dụng xe buýt CNG, năm 2013, TP.HCM đã phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt CNG và giao nhiệm vụ cho Tổng công ty SAMCO triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề án là nhằm thay thế các xe buýt đã hư hỏng, xuống cấp. Đến ngày 1/3/2016, SAMCO đã bàn giao 23 xe buýt CNG đầu tiên trong đề án 300 xe buýt CNG cho HTX 19/5 để vận hành trên tuyến xe buýt số 33 Bến xe An Sương - Đại học Quốc gia.

Là một sinh viên Trường Đại học Tự nhiên, thường đi trên tuyến xe buýt số 33, bạn Trần Diệu Liêu cho biết, chất lượng của xe hoàn toàn khác so với những xe chạy dầu. “Đi trên những tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG cảm giác chất lượng khác hẳn, xe không ồn, máy lạnh mát, đặc biệt là không nhả khói làm ô nhiễm môi trường như những xe khác”, Liêu nói.

Doanh nghiệp cần tiếp sức

Lợi ích là vậy, song vì sao trong nhiều năm qua việc phát triển xe buýt CNG diễn ra rất chậm. Hiện trên địa bàn TP mới chỉ có khoảng 150 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG.

Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX 19/5, với mức kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng/xe buýt CNG là quá cao đối với DN. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách ưu đãi bằng việc hỗ trợ lãi vay, theo đó DN chỉ bỏ ra 30% số vốn, 70% còn lại DN vay ngân hàng, DN chỉ trả lãi suất 5%/năm. Nếu lãi suất cao hơn, Nhà nước sẽ cấp bù. “Nhưng một tuyến xe buýt có ít nhất cũng trên 15 xe, việc thay thế toàn bộ xe trên tuyến đòi hỏi một lượng tiền rất lớn”, ông Triệu nói.

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TP.HCM bổ sung thêm: Mặc dù Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay nhưng phải sau 1 năm, TP mới xem xét để tính toán lại việc cấp bù lãi suất. Trong khoảng thời gian một năm đó, DN vẫn phải trả lãi suất cho ngân hàng bằng chính tiền của mình quả là rất khó. “Nên chăng cần xem xét cấp bù lãi suất hàng tháng để giảm bớt khó khăn cho DN”, ông Hải kiến nghị.

Giải thích vì sao một xe buýt CNG loại B80 hiện có giá hơn 2,7 tỷ đồng, trong khi Nhà nước đã có chính sách giảm thuế với những linh kiện trong nước không sản xuất được, ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc SAMCO cho biết: “Nói vậy chứ không phải vậy”. Ông Toản lý giải thêm, có nhiều linh kiện đơn giản như: Các loại ống cao su, hộp số, bu -lông… ngành Thuế cho biết, nằm trong danh mục những linh kiện trong nước có thể sản xuất được nhưng tìm mãi trong thị trường không có loại phù hợp, đảm bảo chất lượng. Hỏi bên thuế chỉ giúp là đơn vị nào sản xuất để mua thì họ không biết nên phải nhập khẩu và vẫn tính thuế. “Vì vậy một xe buýt CNG phải nộp 50% thuế nhập khẩu”, ông Toản nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.