Làm báo cùng Giao thông

Vì sao hàng chục giang hồ cộm cán chạy tiền để “được” tâm thần?

11/08/2018, 11:34

Tội phạm làm giả hồ sơ tâm thần có thể thoát án tù, thoát án tử hình, thoát cả chịu trách nhiệm hình sự.

1_142878

Ảnh minh hoạ

Công an Hà Nội vừa triệt phá đường dây làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần hàng trăm đối tượng, trong đó có 41 đối tượng là giang hồ cộm cán, dùng tiền thuê cán bộ y tế làm giả hồ sơ tâm thần để “thoát tội”.

Những năm gần đây trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung,  tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất.

Chính sách hình sự của nước ta hiện nay đã có nhiều thay đổi theo xu hướng có lợi cho người phạm tội. Bộ luật hình sự mới ra đời 2015(sửa đổi, bổ sung 2017) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 đã đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả trong tình hình mới, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách pháp luật hình sự mới có lợi cho người phạm tôi, một số đối tượng phạm tội đã cấu kết với một số cán bộ y tế lập các hồ sơ bệnh án giả tâm thần nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Điều này đã gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với các bị can, bị cáo phạm tội., trong đó có nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, mua bán, vận chuyển ma túy số lượng rất lớn,.. Nhiều vụ án đã phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vì đối tượng có hồ sơ bệnh án tâm thần.

Trước thực tế đang diễn ra gây khó khăn, cản trở hoạt động tư pháp, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Hà Nội đã vào cuộc tiến hành điều tra, xác minh làm rõ đối tượng nghi vấn và khẳng định hồ sơ bệnh án tâm thần với kết luận đối tượng bị "Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng" do 1 bệnh viện tâm thần ở Hà Nội cấp là giả mạo. Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra đã bắt giữ 2 đối tượng là cán bộ, nhân viên một bệnh viện tại Hà Nội do liên quan đến việc làm giả bệnh án tâm thần cho đối tượng. Cơ quan công an cũng làm rõ có tới 78 hồ sơ bệnh án tâm thần bị làm giả, trong đó có hơn 40 hồ sơ là của các đối tượng giang hồ.

Việc Công an Hà Nội đưa vụ án này ra trước công luận cũng là hồi chuông cảnh tỉnh chung trên cả nước về tình trạng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần. Cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng thực thi pháp luật các Tỉnh, Thành phố trên cả nước thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng lợi dụng sự nhân đạo của chính sách hình sự nước ta hiện nay để nhằm cản trở hoạt động tư pháp trong việc xử lý tội phạm.

Mục đích các đối tượng phạm tội cần có hồ sơ bệnh án tâm thần ?

Thứ nhất, đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 Như vậy, nếu kết luận đối tượng bị bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó, vụ án sẽ được đình chỉ và đói tượng sẽ bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.

Thứ hai, đối tượng phạm tội sẽ thoát án tử hình.

Khi xác định đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử được quy định tại điểm q, Khoản 1 Điều 51 BLHS “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”

Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình như tội Giết người, nếu có căn cứ xác định khi phạm tội có bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì thực tế hiện nay thường được Tòa án giảm nhẹ hình phạt, không áp dụng hình phạt tử hình.

Thứ ba, đối tượng sẽ không phải chấp hành hình phạt tù.

Khi đối tượng bị bệnh tâm thần, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Theo quy định mới của Bộ luật hình sự 2015 có lợi cho người phạm tội, quy định tại Điều 49 có quy định “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”

Nếu bệnh tâm thần ổn định, đối tượng tiếp tục được Cơ quan điều tra phục hồi điều tra xử lý theo thủ tục tố tụng chung. Khi đó, thời gian chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù sau này khi Tòa tuyên án. Nhiều trường hợp, đối tượng được Tòa tuyên bằng thời gian điều trị chữa bệnh.

Xử lý như nào đối với các cán bộ y tế đã cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần giả?

Hành vi của các cán bộ y tế đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Các cán bộ này đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích cung cấp hồ sơ bệnh án giả cho đối tượng phạm tội đã cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 356 BLHS.

Trường hợp, nếu có căn cứ xác định vì động cơ tư lợi mà các cán bộ y tế nhận tiền của đối tượng để là hồ sơ bệnh án giả theo yêu cầu thì sẽ có dấu hiệu phạm tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS.

Người nào đưa lợi ích vật chất cho các cán bộ y tế làm hồ sơ bệnh án giả sẽ phạm tội Đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 BLHS.

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.