Điện ảnh

Vì sao Hollywood kiếm được tỷ đô từ phim siêu anh hùng?

07/11/2017, 08:25

Dòng phim có giá trị tỷ đô này dường như chỉ có thể thành công tại Kinh đô điện ảnh thế giới - Hollywood.

18

“Siêu nhân X” - sản phẩm duy nhất thuộc dòng phim siêu anh hùng của Việt Nam tính tới thời điểm hiện nay

Miếng bánh của riêng Hollywood

Không phải đến những năm 2000, phim siêu anh hùng mới nổi lên và trở thành hiện tượng của làng điện ảnh thế giới. Từ năm 1978, bộ phim Superman (Siêu nhân) đầu tiên ra mắt gây được tiếng vang lớn. Từ đó, các thương hiệu khác như: Batman (Người dơi), Spiderman (Người nhện)… lần lượt mở màn cho kỷ nguyên siêu anh hùng bùng nổ. Chỉ tính riêng các phim mang thương hiệu Marvel đã thu về hơn 11 tỷ USD. Trong đó, 2 phần phim The Avenger đều cán mốc 1 tỷ USD, con số mà chỉ những siêu phẩm kinh điển của kinh điển như: Titanic, Stars War… mới dám mơ tới.

Tuy nhiên, khi đặt chân ra khỏi phạm vi của Hollywood, mọi chuyện rất khác. Châu Âu gần như im ắng khi động tới đề tài này. Chỉ có điện ảnh Nga thử sức với bộ phim Guardians (Siêu chiến binh). Song, dù chất lượng kỹ xảo không tồi, phim vẫn thất bại thảm hại với chỉ vỏn vẹn 4,6 triệu USD lợi nhuận. Tại châu Á, đại gia Trung Quốc làm phim siêu anh hùng chỉ đếm trên đầu ngón tay với một số đại diện như: Mặt nạ đen (1996), Ngân ưng (2004), Thần kỳ hiệp lữ (2011), Anh hùng thức tỉnh (2016). Tất cả dừng ở mức hành động rẻ tiền và ít tiếng vang.

Họa may chỉ có Nhật Bản và Ấn Độ tạo được một chút dấu ấn nhỏ nhoi. Bollywood có một số cái tên như Charka: The Invicible, Cicak Man, nhưng lại là phim hài đội lốt với kỹ xảo cường điệu cười ra nước mắt và kịch bản chỉ để chọc cười. Những năm 90, Nhật Bản từng tạo ra các hiện tượng siêu nhân như: Kamen Raider, Ultraman, Rangers… Tuy nhiên, đến giờ điện ảnh xứ hoa anh đào vẫn chưa thể đưa các thương hiệu này vượt qua tầm vóc phim… thiếu nhi.

Việt Nam chưa dám mơ

Giấc mơ phim siêu anh hùng Việt Nam đã từng được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thử nghiệm bằng Siêu nhân X, ra mắt tháng 2/2015. Song, phim không thành công về mặt doanh thu do kịch bản bị lộ. Tháng 12 năm nay, một bộ phim khác mang dáng dấp siêu anh hùng là Lôi báo (đạo diễn Victor Vũ) sẽ ra mắt, nhưng thành bại vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Yếu tố mặt tiền của phim siêu anh hùng là kỹ xảo. Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, đây chưa bao giờ là cuộc chơi dễ chịu cho điện ảnh Việt: “Chúng ta không thiếu chuyên gia kỹ xảo có kiến thức, trình độ. Có người học ở nước ngoài về, có người từ nước ngoài về làm việc. Cái thiếu ở đây là kinh phí, là tiền”. Đạo diễn Dòng máu anh hùng đưa ra một phép tính đơn giản: Hiện giờ đội ngũ kỹ xảo cần không dưới 20 người, một người trung bình cần 2-3 tiếng dựng một frame (khung hình). Một giây có 24 frame. Suy ra để xử lý 1 shot phim 5 giây, tốn khoảng… 360 giờ công của riêng nhóm kỹ xảo. Thù lao tính theo giờ nên cực kì tốn kém. “Phim nước ngoài 200 triệu USD có khi còn không đủ tiền làm kỹ xảo, Việt Nam chỉ có mấy trăm ngàn làm sao theo được”, Charlie Nguyễn cho hay.

Ngoài tiền, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn chỉ ra yếu điểm thời gian. “Phim Việt nhiều khi có xu hướng đi đường tắt, từ lúc đóng máy tới khi ra rạp chỉ có khoảng 2-3 tháng cho hậu kì. Ở nước ngoài, công đoạn này được làm kỹ có khi tốn nửa năm, với đủ mọi khâu từ làm storyboad, dựng thử cảnh, test 3D…”.

Không kể kỹ xảo, Việt Nam cũng chưa có một nền truyện tranh đóng vai trò trợ lực. Đạo diễn Dũng “khùng” chia sẻ: “Nền truyện tranh phát triển xây dựng nên những đối tượng khán giả sẵn có. Vì thế, các nhà làm phim có một lượng người hâm mộ ra rạp ổn định, cái đó là quan trọng nhất. Sau nữa là chất liệu văn học, là nguồn cung kịch bản chất lượng cao mà truyện tranh đem lại”. Tại Việt Nam, truyện tranh nhiều năm nay vẫn là miền đất chết. Các đạo diễn muốn lấy ý tưởng khởi tạo nhân vật còn không có, đừng nói tới việc có được một lượng người hâm mộ tiềm năng để chống lưng cho phim ngoài rạp chiếu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.