Điều tra

Vì sao kẻ đốt xác kế toán, truy sát chủ nợ thoát án tử?

05/02/2017, 13:02
image

Do các nạn nhân không chết nên hành vi giết người của bị cáo thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt”.

bị cáo hường

Gây tội ác tày trời nhưng bị cáo Hường đã thoát án tử hình nhờ quy định mới. 

Vợ nguyên bí thư xã đốt xác một nữ kế toán, dùng dao sát hại hai vợ chồng chủ nợ với hàng chục nhát dao vẫn thoát án tử hình và chỉ phải chịu 20 năm tù nhờ quy định mới trong Bộ luật Hình sự 2015.

Trút mưa dao xuống hai vợ chồng chủ nợ

Tháng 3/2014, bà Lê Thị Hường (42 tuổi, ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức, vợ nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên án tử hình về tội giết người. Dù làm đơn kháng cáo, nhưng nữ bị cáo này vẫn bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên giữ nguyên án tử hình.

Theo nội dung vụ án, bà Hường vay của vợ chồng bà Phan Ngọc Nga (SN 1960) và ông Nguyễn Chí Hùng (SN 1961, chồng bà Nga, ngụ xã Cù Bị, huyện Châu Đức) hàng trăm triệu đồng, dù bị đòi nhiều lần nhưng bà Hường không trả. Ngày 15/1/2013, bà Hường gọi điện cho vợ chồng ông Hùng hối thúc đến nhà tính toán nợ rồi dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát nhằm sát hại hai vợ chồng chủ nợ. Kết quả giám định thương tật cho thấy, ông Hùng bị thương tật gần 80% với 17 nhát chém, còn bà Nga bị thương tật với hơn 26% sức khỏe.

Xem thêm video:

Trước đó, tháng 5/2012, nữ thủ quỹ xã Kim Long là bà Dương Thị Thủy Bình Hà (54 tuổi) cũng đến nhà Hường và cũng mất tích luôn từ đó. Bà Hường khai, khi bà Hà đến chơi, bị điện giật chết nên bà đã đốt xác rồi đem chôn tro cốt nạn nhân ở nhiều gốc cây quanh nhà, còn tài sản của nạn nhân thì Hường đã đem bán. Về nguyên nhân bà Hà chết vẫn chưa được làm rõ, song với hành vi đốt xác, bà Hường bị phạt 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể”.

Với các hành vi nêu trên, trong các phiên xét xử, tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên bà Hường mức án cao nhất là tử hình. TAND Tối cao cũng xác định, bà Hường nhận mức án tử hình về tội Giết người là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, TAND Tối cao cho rằng, căn cứ vào Khoản 3, Điều 57, Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1/7/2015) quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm…”. Dù bộ luật đã được Quốc hội lùi hiệu lực thi hành nhưng các quy định có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng. Vì thế, bị cáo Hường được chuyển án từ mức tử hình xuống còn 20 năm.

Tòa hai cấp sai khi áp khung tử hình

Có thể nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến sức khỏe của các nạn nhân, cụ thể một người bị thương tật gần 80%, một người bị thương tật gần 30%. Hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện sự đê hèn, giết người để quỵt nợ và giết nhiều người. Mặt khác, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây mất trật tự trị an trên địa bàn, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, các nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo nên bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, do các nạn nhân không chết nên hành vi giết người của bị cáo thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt” được quy định tại Điều 18, BLHS 1999. Cụ thể, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Khi xét xử bị cáo, Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có sai lầm trong việc áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo là quá nghiêm khắc trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Thực tiễn xét xử trong hệ thống tòa án ở Việt Nam thường không áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả xảy ra, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Qua công tác tham gia bào chữa gần đây cho thấy, xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện một cách quyết liệt tới cùng, nếu nạn nhân không chết thì có thể tòa án áp dụng hình phạt đến chung thân là đã có căn cứ pháp luật và tương xứng với hậu quả đã gây ra.

Theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự 2015, kể từ ngày 1/7/2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Quy định này bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội….

Mặc dù trường hợp bị cáo Hường phạm tội giết người chưa đạt về hậu quả đã bị kết án tử hình là ngoài Danh mục kèm theo Công văn 276, nhưng theo hướng dẫn khi giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nếu nhận thấy quy định khác của Bộ luật Hình sự 2015 có lợi cho người phạm tội thì Tòa án các cấp xem xét áp dụng quy định đó, bảo đảm đúng pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát hiện quy định có lợi khác ngoài danh mục thì tập hợp, báo cáo TAND Tối cao để chỉ đạo hướng dẫn kịp thời.

Trưởng VP Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.