Vận tải

Vì sao Khánh Hòa vẫn nói không với xe Grab?

11/08/2018, 08:45

Theo Sở GTVT Khánh Hòa, Grab không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động; không có trụ sở và đại diện...

9

Khách đặt xe GrabCar tại TP Nha Trang

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản khẩn về việc chấn chỉnh việc ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và xe taxi của Công ty TNHH Grab. Việc này cho thấy, Khánh Hòa vẫn quyết nói không trước sự “bành trướng” của Grab.

Hàng loạt sai phạm

Báo cáo về hoạt động của Công ty TNHH GrabTaxi, theo Sở GTVT Khánh Hòa, kể từ khi được Bộ GTVT cho phép triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại địa phương, đơn vị này có nhiều sai phạm. Sau 9 tháng kể từ khi triển khai (đến tháng 9/2016) GrabTaxi vẫn không thực hiện thí điểm.

Tháng 8/2017, địa phương nhận được công văn của Công ty TNHH GrabTaxi về việc triển khai dịch vụ GrabTaxi tại địa bàn Khánh Hòa, Sở GTVT yêu cầu đơn vị này làm việc với các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi để thỏa thuận, hợp tác. “Tuy nhiên, đơn vị này không làm việc với doanh nghiệp mà lại trực tiếp làm việc với lái xe để cài đặt phần mềm ứng dụng KHCN gây bức xúc cho các đơn vị trên. Đặc biệt, công ty này còn cài đặt ứng dụng cho các xe cá nhân, không được Sở GTVT cấp phù hiệu (xe dù) để hoạt động”, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng liên quan triển khai các biện pháp quản lý hoạt động ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và xe taxi trên địa bàn tỉnh nói chung và với Công ty TNHH Grab; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Cũng theo Sở GTVT Khánh Hòa, Grab không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động; không có trụ sở và đại diện pháp lý hợp pháp tại Khánh Hòa để phối hợp với địa phương triển khai thực hiện (hoạt động chui). Đặc biệt, từ ngày 8/4, Công ty TNHH GrabTaxi tiếp tục gia tăng việc cài đặt ứng dụng cho các xe có trọng tải dưới 9 chỗ ngồi không có phù hiệu (xe dù) và các xe do các Sở GTVT thuộc các địa phương khác cấp phù hiệu xe hợp đồng (chủ yếu xe do Sở GTVT TP Hồ Chí Minh quản lý), gây rối loạn trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe taxi nói riêng, vận tải khách bằng xe có trọng tải từ 8 chỗ trở xuống nói chung tại Khánh Hòa.

Theo ông Dần, địa phương không cấm, thậm chí hoan nghênh các doanh nghiệp triển khai ứng dụng KHCN, ngay cả với Grab, Sở này cũng đã nhiều lần liên lạc và mời làm việc với công ty, tuy nhiên đơn vị này không đến làm việc, không báo cáo quá trình triển khai.

Trước những sai phạm của Công ty TNHH GrabTaxi, UBND tỉnh Khánh Hoà có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị dừng thí điểm ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và xe taxi với Công ty TNHH GrabTaxi và được Bộ GTVT thống nhất.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải khách theo hợp đồng cũng phải được thực hiện tương tự như quản lý xe taxi theo quy định của pháp luật và phải nằm trong tổng thể quản lý vận tải tại địa phương hoạt động, phù hợp với nhu cầu và thực trạng hạ tầng giao thông của địa phương.

10
Dù tỉnh Khánh Hòa yêu cầu dừng thí điểm nhưng người dân vẫn dễ dàng sử dụng ứng dụng Grab tại địa phương này (chụp ứng dụng Grab ngày 8/8)

Vẫn ngang nhiên bành trướng

Ngày 8/8, PV Báo Giao thông mở ứng dụng đặt xe của Grab trên điện thoại thông minh, vị trí tại TP Nha Trang, ứng dụng này vẫn hoạt động bình thường. Chọn dịch vụ Grabcar, lập tức có hàng chục xe hiện lên trên bản đồ. Mở các dịch vụ khác như: GrabTaxi, GrabAirport… đều có hàng chục xe trải đều khắp bản đồ, sẵn sàng thực hiện cuốc ngay khi khách hàng nhấn “đặt xe”. Có tổng cộng 6 dịch vụ của ứng dụng Grab tại Nha Trang, tính cơ học, số xe ô tô tham gia chạy cũng đã gần 100 xe.

Trao đổi với PV, một tài xế chạy GrabCar cho biết, hiện số đầu xe chạy dịch vụ này đã lên hơn 100 chiếc. Tất cả các xe khi tham gia đều được Grab lo thủ tục, đặc biệt được đăng ký hoạt động tại một HTX. Lượng xe đông, tuy nhiên dịch vụ này đang “ăn nên làm ra”. Bởi không giống thị trường khác, khách sử dụng dịch vụ Grab tại Nha Trang chủ yếu là khách du lịch.

“60% là khách nước ngoài, chủ yếu là khách Trung Quốc, Nga. Khách nước ngoài không biết tiếng mình cũng làm được. Chỉ cần tra địa điểm đến là ra giá tiền cụ thể nên họ an tâm chỉ trả chừng đó. Còn taxi thông thường nhiều khi chạy vòng vèo để tính tiền thêm, hoặc có ứng dụng nhưng người ta không biết. Còn Grab này là phổ biến trên thế giới”, tài xế T, xe ô tô BKS 79A-117.XX phân tích.

Theo tỉnh Khánh Hòa, thực chất phần lớn các xe là xe cá nhân được hợp thức hóa vào các DN, HTX dịch vụ hỗ trợ vận tải để hoạt động. “Chúng tôi có nắm được tình hình Grab Taxi và Grab Car vẫn hoạt động trên địa bàn và sẽ tiếp tục gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi ngừng cung cấp ứng dụng nếu không sẽ có biện pháp xử lý nghiêm”, ông Dần khẳng định.

Theo thống kê, hiện Khánh Hòa có hơn 50.000 ô tô và 820.000 xe mô tô, riêng tại TP Nha Trang chiếm hơn 60% lượng xe của toàn tỉnh. Việc gia tăng xe chạy dịch vụ Grab đã làm ảnh hưởng đến trật tự vận tải, ATGT nói chung, môi trường kinh doanh vận tải, gây bức xúc cho các doanh nghiệp, HTX.

“Hiện, TP Nha Trang đang quá tải, không đảm bảo về hạ tầng giao thông nên Grab chỉ có thể kinh doanh dịch vụ Grab Taxi trên địa bàn tỉnh nếu đạt được thỏa thuận với các hãng taxi. Chủ trương của tỉnh là không phát triển dịch vụ Grab Car để đảm bảo hạ tầng và ATGT”, ông Dần thông tin thêm.

Theo ông Nguyễn Duy Lực, PGĐ hãng taxi Emasco Nha Trang, đơn vị ông và nhiều đơn vị kinh doanh taxi khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không ký với Grab để cài đặt ứng dụng trên các xe của đơn vị. “Đối với các trường hợp nhân viên của hãng cài ứng dụng Grab Taxi, khi bị phát hiện sẽ xử lý rất nghiêm”, ông Lực cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.