Giao thông

Vì sao không nên khai thác dân dụng sân bay Biên Hòa?

22/08/2017, 10:05

Việc khai thác dân dụng tại sân bay Biên Hoà không chỉ phải di dời toàn bộ hoạt động bay quân sự...

11

Sân bay Biên Hòa, Đồng Nai

Việc khai thác dân dụng tại sân bay Biên Hoà không chỉ phải di dời toàn bộ hoạt động bay quân sự mà còn cần một khoản đầu tư lên tới vài chục nghìn tỷ đồng, chưa kể thời gian và chi phí để xử lý dioxin tại đây.

Muốn bay dân dụng phải di dời hoạt động bay quân sự

Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, trên thế giới, cũng đã có việc khai thác đồng thời, độc lập nhiều sân bay trong cùng một vùng trời khu vực sân bay và do một cơ quan kiểm soát tiếp cận điều hành. Cụ thể là cặp sân bay: Heathrow - Gatwick (Anh), Charles de Gaulle - Orly (Pháp), Suvarnabumi - Don Mueang (Thái Lan), Soekarno Hatta - Halim Perdanakusuma (Indonesia), Kuala Lumpur - Sultan Abdul Aziz Shah (Malaysia) và Incheon - Gimpo (Hàn Quốc).

“Các cặp sân bay này được tổ chức khai thác đồng thời, độc lập với quy hoạch tổ chức vùng trời, phương thức bay và điều hành bay theo các phương thức của ICAO và hoạt động an toàn, hiệu quả”, ông Thắng nói và cho biết, Cục Hàng không VN cũng đã phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay VN lập phương án quy hoạch tổ chức vùng trời, phương thức bay và điều hành bay dự kiến đi/đến với cặp sân bay Biên Hòa - Tân Sơn Nhất.

Lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định, với tổng mức đầu tư rất lớn, hơn 32.800 tỷ đồng, chưa kể chi phí GPMB, tái định cư cho các đơn vị quân đội và chi phí xử lý dioxin, cộng với thời gian thực hiện kéo dài, việc đầu tư vào sân bay Biên Hòa không hiệu quả bằng việc đầu tư giai đoạn 1 dự án CHK quốc tế Long Thành.

Kết quả cho thấy, có thể khai thác bay dân dụng đồng thời giữa hai sân bay này. Tuy nhiên, do Biên Hòa là sân bay quân sự chính khu vực phía Nam, phục vụ mục đích bay huấn luyện, trực chiến sẵn sàng chiến đấu, đồng thời vận tải quân sự… nên khi tổ chức bay dân dụng sẽ bị chồng lấn. “Việc kết hợp bay dân dụng với quân sự tại sân bay Biên Hòa rất khó khăn. Để có thể bay dân dụng, phải di dời hoạt động bay huấn luyện quân sự ra khỏi sân bay Biên Hòa”, ông Thắng khẳng định.

Đánh giá khả năng khai thác dân dụng đối với khu bay, Cục Hàng không VN cho biết, với cấu hình hai đường cất/hạ cánh kích thước 3.048x45m và hệ thống đường lăn sân đỗ đồng bộ, hệ thống sân đường này chỉ có thể đáp ứng khai thác cho các loại tàu bay code E như B777, B787 và tương đương với thời gian bay khoảng 5 - 6 giờ trở xuống ở các đường bay nội địa hoặc bay quốc tế gần như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á…

Về khu hàng không dân dụng, với quỹ đất hiện tại, sân bay Biên Hòa, có thể quy hoạch 1 - 2 nhà ga hành khách với công suất 20 - 25 triệu khách/năm và các công trình dịch vụ kỹ thuật đồng bộ như sân đỗ tàu bay trước nhà ga, ga hàng hóa, hangar (nhà chứa máy bay), sửa chữa tàu bay, xăng dầu, suất ăn. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ga hành khách sẽ phải tính toán di dời, bố trí lại vị trí các công trình quân sự hiện hữu của các cơ quan, đơn vị quân sự và sẽ phải xử lý các khu vực bị nhiễm dioxin để đảm bảo mặt bằng sạch cho việc xây dựng, khai thác các công trình dân dụng.

12
Cục Hàng không VN đã phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay VN lập phương án quy hoạch tổ chức vùng trời, phương thức bay và điều hành bay dự kiến đi/đến với cặp sân bay Biên Hòa - Tân Sơn Nhất - Ảnh: Tạ Tôn

Quá nhiều rào cản

Về lý thuyết, hoàn toàn có thể khai thác dân dụng tại sân bay Biên Hòa song muốn hiện thực hóa việc này lại là chuyện khác. Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, do hệ thống đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay tại đây được xây dựng từ thời Mỹ, qua nhiều năm khai thác đã hết tuổi thọ và có dấu hiệu xuống cấp. Để có thể khai thác dân dụng sẽ phải cải tạo, nâng cấp toàn bộ kết cấu sân đường. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu xây mới một số đường lăn nối cao tốc nhằm đảm bảo tàu bay thoát ly nhanh khỏi đường cất/hạ cánh. Theo tính toán, cần ít nhất 32.800 tỷ đồng đầu tư nâng cấp các hạng mục này, chưa tính đến chi phí GPMB, tái định cư cho các đơn vị quân đội, cũng như chi phí xử lý dioxin tại đây.

Riêng với việc xử lý dioxin, theo thông tin của Báo Giao thông, các vùng nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa rất rộng và nặng nề, cần phải xử lý triệt để mới có thể triển khai xây dựng hạ tầng phục vụ bay dân dụng. Hiện, vẫn chưa có kế hoạch và tiến độ xử lý dioxin cụ thể, trong khi đó, theo các chuyên gia lĩnh vực hàng không, việc xử lý dioxin có thể phải kéo dài 5 - 10 năm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai dự án xây dựng các công trình hàng không.

Liên quan đến việc khai thác dân dụng tại sân bay Biên Hòa, theo thông tin của Báo Giao thông, Trung tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có văn bản khẳng định: Sân bay Biên Hòa là sân bay quân sự duy nhất trong khu vực bảo đảm cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không quân. Đây còn là căn cứ sẵn sàng thiết lập cầu hàng không thực hiện vận chuyển quân, vũ khí, trang bị khí tài khi có các tình huống tác chiến. Vì vậy, chỉ sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, duy trì sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân và các đơn vị phòng không.

Trung tướng Phan Văn Giang cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự án điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất 45 triệu khách/năm và cho phép triển khai các bước thủ tục đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.