Góc nhìn

Vì sao Panama bỏ qua Đài Loan, bắt tay với Trung Quốc?

14/06/2017, 06:22

Ngày 13/6, Tổng thống Panama bất ngờ tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với chính quyền đảo Đài Loan...

8

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Panama Isabel de Saint Malo (trái) ký kết thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao

Bất ngờ nhưng không gây sốc

Động thái bất ngờ được thông báo trong bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Panama Juan Carlos Varela. Ông khẳng định, Panama đã và đang nâng cấp các quan hệ thương mại với Trung Quốc, thiết lập các mối quan hệ ngoại giao toàn diện với Bắc Kinh. “Tôi tin tưởng rằng, đây là chính sách đúng cho đất nước”, ông Varela nói. Hiện nay, Panama công nhận chính sách “một Trung Quốc” và coi Đài Loan là một phần của nước này. Mối quan hệ mới Panama - Trung Quốc được bắt đầu từ ngày 12/6 và mối bang giao nhiều thập kỷ trở lại đây với đảo Đài Loan đã kết thúc.

Sở dĩ nói động thái này không gây sốc vì từ năm ngoái tới nay, nhiều quan chức ngoại giao Bắc Kinh đồn đoán rằng, đất nước Trung Mỹ này có thể trở thành quốc gia tiếp theo cắt quan hệ với Đài Loan dù lúc đó Panama đang là đối tác thân cận nhất của hòn đảo này. Tiếp đó, người đứng đầu Đài Loan đã có chuyến thăm các nước Trung Mỹ trong đầu năm nay nhưng lại không dừng chân ở Panama. 

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Panama - Isabel de Saint Malo, Tổng thống Varela đã quan tâm tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ 10 năm trước. Tại Nhà khách Chính phủ ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Phó Tổng thống Panama cùng Bộ trưởng Ngoại giao Panama Isabel de Saint Malo ra thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Bà Saint Malo hy vọng, động thái này có thể mang về những cơ hội du lịch, đầu tư, thương mại, đặc biệt là “xuất khẩu thêm nhiều hàng hoá từ Panama tới Trung Quốc”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử. Quan hệ Trung Quốc - Panama đã bước sang một chương mới”.

Vì sao Panama chia tay với Đài Loan?

Các nhà ngoại giao cho rằng, tới đây, có thể có nhiều đồng minh khác tiếp bước Panama cắt quan hệ với Đài Loan để tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc. Cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc, Jorge Guajardo cho biết: “Có thể sẽ xảy ra tác động dây chuyền. Cộng hoà Dominica, Nicaragua và Paraguay có lẽ sẽ thực hiện động thái tương tự”.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham, ông Jonathan Sullivan cho biết, sự chia tay của Panama là “cú giáng trong chiến lược ngoại giao” của người đứng đầu đảo Đài Loan - bà Thái Anh Văn.

Đài Loan lập tức cắt hợp tác, tài trợ cho Panama 

Chính quyền đảo Đài Loan thể hiện sự tức giận về quyết định của Panama và tuyên bố Đài Loan sẽ không ganh đua với Trung Quốc trong vấn đề mà họ gọi là “cuộc đua lấy tiền bạc đổi ngoại giao”. Đồng thời, Đài Loan ngay lập tức cắt đứt mọi quan hệ hợp tác và hỗ trợ cho Panama, giải tán cơ quan đại diện Đài Loan tại quốc gia Trung Mỹ. 

Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay đó là tại sao Panama lại “dứt tình” với Đài Loan. Xét về mặt ngoại giao, Giáo sư về Ngoại giao tại Đại học Chengchi, Đài Bắc, ông Huang Kwei-bo cho rằng, sự bất ổn trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là lập trường “một Trung Quốc” của ông này có thể là yếu tố tác động. Ngoài ra, theo ông Huang, “Trung Quốc đang thực hiện quyền lực thông minh với cường độ thường xuyên hơn. Trong khi đó, Mỹ lại dần mờ nhạt trong các vấn đề chính trị quốc tế luồng chính”. 

Bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Panama có thể liên quan tới quan hệ kinh tế và hàng loạt hợp đồng đầu tư lớn của Trung Quốc tại đất nước này. Theo AFP, thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh bắt đầu xây dựng một cảng container với các cơ sở hạ tầng về khí đốt tự nhiên ở tỉnh Colon, phía Bắc Panama.

Công ty Landbridge Group (Trung Quốc) đã mua lại cảng lớn nhất của Panama là Margarita từ tháng 5/2016. Trước đó từ lâu, ngày 1/3/1997, Tập đoàn Hutchinson Whampoa (Trung Quốc) đã mua lại và kiểm soát các cảng Balboa và Cristobal vốn do Mỹ xây dựng. Lúc đó, theo dõi thoả thuận này, cố nhà báo của Trumpet, ông Ron Fraser nhận định rằng: Trung Quốc sẵn sàng “mua đứt lòng trung thành” của Panama bằng cách đầu tư, lấp những chỗ trống khi Mỹ rút đi.

Hiện tại, số lượng tàu thuyền Trung Quốc đang đứng ở vị trí thứ hai trong việc sử dụng Kênh đào Panama - một nguồn thu chính của nước này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.