Xã hội

Vì sao quảng cáo trên xe buýt TP HCM “ế” khách?

11/03/2019, 06:41

Kỳ vọng thu về hàng trăm tỷ đồng/năm từ quảng cáo trên xe buýt, ngành chức năng TP HCM đã nhiều lần tổ chức đấu giá nhưng liên tục thất bại.

img
Hiện TP.HCM mới chỉ có 492 trên 1570 xe buýt được quảng cáo. Ảnh Đỗ Loan



Tiếp tục đấu giá sau nhiều lần thất bại

Theo kế hoạch, cuộc đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt chính thức diễn ra vào ngày 8/3, tuy nhiên đến sát ngày đấu giá, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM vẫn không nhận được bất kỳ hồ sơ tham gia nào. Do vậy, lịch đấu giá tiếp tục gia hạn đến ngày 12/3.

Trong lần đấu giá ngày mai (12/3), trung tâm sẽ chia nhỏ thành 11 gói đấu giá để phù hợp với năng lực của từng đơn vị có nhu cầu. Trong đó, gói thấp nhất gồm 5 tuyến và cao nhất 8 tuyến xe buýt. Các đơn vị tham gia đấu giá cũng có thể tùy chọn thời gian thuê quảng cáo 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, thay vì cố định 3 năm như những lần trước.

Lý giải nguyên nhân thất bại sau 4 lần tổ chức, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, chủ yếu do các gói quảng cáo được chia chưa phù hợp với nhu cầu của DN. Ngoài ra, việc đặt cọc trước ít nhất 5% giá trị khởi điểm của gói thầu cũng gây khó khăn về vốn cho nhiều DN. Hơn nữa, khi đấu giá DN phải đặt cọc thấp nhất 5% số tiền quảng cáo, nhưng nếu không tìm được khách hàng sẽ bị mất số tiền đặt cọc nên họ còn e dè.

Cũng theo ông Trung, nếu việc tổ chức đấu giá lần tới không thành công, đơn vị sẽ thay đổi phương án, có thể giao cho một đơn vị bán lẻ và không nhất thiết phải đấu giá theo giá sàn có sẵn mà sẽ thương lượng. Phương án thứ hai, sẽ nghiên cứu giao cho DN vận tải chủ động bán.

Giải thích thêm việc quảng cáo trên xe buýt đang “ế”, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, hiện nay xu thế thị trường quảng cáo đã có sự thay đổi. “Quảng cáo trực tuyến, trên các website, mạng xã hội truyền hình... được ưa chuộng hơn. Các hình thức quảng cáo truyền thống trên xe buýt, nhà chờ không còn thu hút như trước. Bên cạnh đó, thời gian quảng cáo được chia tại các gói thầu kéo dài tới 3 năm nên các DN thận trọng, chưa mặn mà”, ông Lâm thông tin.

Giao cho các doanh nghiệp vận tải tìm đầu mối

img
Hiện TP.HCM mới chỉ có 492 trên 1.570 xe buýt được quảng cáo

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX Vận tải số 15 cho biết: “Đấu giá quảng cáo trên xe buýt đến thời điểm này chưa hiệu quả. Hiện nay, công nghệ quảng cáo phát triển nhanh, mời DN quảng cáo rất khó. “HTX của tôi cũng mời gọi quảng cáo trên tuyến xe buýt không trợ giá mà phải mất 2 năm mới chỉ quảng cáo được vài xe”, ông Tạo nói và cho rằng, nên giao luôn cho các DN tự tìm đầu mối quảng cáo. Tuy nhiên, nếu giao chỉ tiêu quảng cáo cho các đơn vị trong 1 năm, chắc chắn sẽ không DN nào dám nhận mà phải giao hẳn để các DN tự tìm hiểu thị trường. Trước khi giao Sở GTVT cũng phải đưa ra các quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, nội dung quảng cáo để các DN có định hướng rõ ràng mới mong mời chào được.

Nhận định về tình hình quảng cáo trên xe buýt hiện nay, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM cũng cho rằng, thị trường quảng cáo trên xe buýt không còn thu hút như trước. Nếu Sở GTVT không thành công trong việc đấu giá quảng cáo sắp tới thì nên giao cho các DN tự tìm đầu mối.
“Việc giá tiền quảng cáo cũng nên xem xét lại, nếu không có người tham gia thì nên giảm giá xuống, để giá cao thì có mở đấu giá đến 10 lần cũng khó có người tham gia”, ông Hải nói.

Đồng tình với các quan điểm trên, PGS. TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông nhận định, vài năm trước nhiều DN muốn quảng cáo trên xe buýt thì thành phố không duyệt, bây giờ kêu gọi DN tham gia quảng cáo lại không có đơn vị nào muốn tham gia. Hơn nữa, hình thức quảng cáo bây giờ đã thay đổi, người dân vào mạng internet ngày càng nhiều nên nhu cầu của những đơn vị quảng cáo không còn mặn mà với xe buýt nữa.

Cũng theo ông Mai, muốn quảng cáo trên xe buýt, Sở GTVT nên giao lại cho các DN vận tải. Trong đó, hình thức quảng cáo cũng nghiên cứu lại, thay vì quảng cáo trên thân xe thì quảng cáo bên trong xe, làm bảng điện tử dọc hai bên thành xe. Số tiền quảng cáo trên xe buýt sau khi cân đối các chi phí, còn lại phải nộp vào ngân sách thành phố để hỗ trợ việc trợ giá cho xe buýt.

Cung và cầu chưa gặp nhau

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức (TP HCM) cho rằng, tổ chức đấu giá nhiều lần vẫn thất bại là do việc tiếp cận thị trường cũng như cách cung ứng dịch vụ có vấn đề. Vì vậy, cần thay đổi tư duy quảng cáo trên xe buýt, cách tiếp cận. Thay vào đó là mở một phòng kinh doanh để tiếp cận và đi sâu vào thị trường, chủ động tiếp thị, quảng cáo đến các doanh nghiệp. Nhu cầu quảng cáo thì luôn luôn có, chỉ là do cung và cầu chưa gặp nhau.

Cùng quan điểm, ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho hay, Sở GTVT không tổ chức đấu giá nữa mà nên có một đơn vị chính phụ trách, để chủ động thực hiện các biện pháp thu hút quảng cáo. Khi thu được lợi nhuận thì có thể lấy ra một khoản và chia lại cho các thành viên thuộc đơn vị này. “Hình thức đấu giá hiện nay là yêu cầu mua sỉ rồi bán lẻ thì rất khó để thu hút DN tham gia”, ông Quân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.